Kết quả trên thực tế, người dân tiếp tục đổ vào hai vùng đô thị trung tâm. Hạ tầng đô thị ngày một quá tải hơn. Gần như tất cả các kế hoạch phát triển các đô thị vệ tinh của Hà Nội và TPHCM đều không có được kế quả như kỳ vọng.
Thêm vào đó, các khu trung tâm còn đang rất nhiều đất. Chỉ đơn giản là tính trong vòng bán kính 1km chung quanh tòa nhà của UBND TPHN và HCM sẽ thấy vô số đất trống, có hạ tầng tốt hơn rất nhiều các nơi khác và có thể xây dựng các công trình ngay. Mật độ các khu trung tâm của Hà Nội và TPHCM đang thấp hơn rất nhiều các đô thị thành công như Tokyo, Seoul, Singapore, Hồng Kông cũng như các thành phố lớn của Trung Quốc.
Lý do người dân và doanh nghiệp tiếp tục đổ vào các khu trung tâm, các thành phố lớn là ở đó năng suất và hiệu quả cao hơn nên dễ kiếm sống và kinh doanh tốt hơn.
Có một điều thú vị là đa phần những người đang tiếp tục đến các trung tâm đô thị sống và làm việc cũng nghĩ hay có cảm nhận chung như đa phần những người khác là nên giãn dân, giảm mật độ.
Rất nhiều chính sách ở Việt Nam, trong đó có chính sách phát triển đô thị, không được dựa vào các kiến thức chuyên môn và nguyên lý nền tảng về phát triển đô thị mà dựa vào cảm nhận chung nên ra nông nỗi như hiện nay.
Do vậy, giải pháp cho bài toán đô thị ở Việt Nam là thuận theo hành động của số đông trên thực tế, nhưng ngược lại với cảm nhận chung. Tập trung làm bằng được các hạ tầng trọng yếu ở các khu trung tâm Hà Nội và TPHCM theo mô hình đô thị nén và định hướng giao thông công cộng để năng suất cao hơn và có thể cạnh tranh với các đô thị khác trong khu vực.
Một vấn đề then chốt khác là cần phải có cơ chế khai thác giá trị tăng thêm từ đất để tạo nguồn lực cho phát triển đô thị. Không thể phát triển đô thị theo cách mở rộng đường mà hơn 4/5 chi phí dành cho di dời và giải tỏa và những người từ hẻm ra mặt tiền không phải đóng góp gì khi giá trị bất động sản của mình tăng rất cao.
Tri thức rất quan trọng cho việc đưa ra các chính sách và sự tiến bộ của loài người. Cảm nhận chung thường ngược lại với cách hành xử của số đông trên thực tế. Chính sách là để điều chỉnh hành vi của con người nên người làm chính sách cần phải hiểu rõ hành động của số đông. Đây chính là vai trò của tri thức và chuyên môn. Nếu chính sách chỉ cần dựa vào cảm nhận chung của số đông thì con người đâu cần lao tâm khổ tứ để học hỏi.