‘Bức tranh’ tài chính 2024 của Việt Nam sẽ ra sao?

Lô 05 - cụm G1 Nguyễn Văn Linh, Khu Phố Trung Lợi, TX. Chơn Thành - Tỉnh Bình Phước
bdstamgiacvang2017@gmail.com
0961 933 938
‘Bức tranh’ tài chính 2024 của Việt Nam sẽ ra sao?

Thị trường tài chính vẫn phụ thuộc rất lớn vào sức bật của nền kinh tế thực, trong đó sản xuất, thương mại, xuất khẩu sẽ là những tố then chốt, tiên phong dẫn dắt.

Năm 2023 đầy thách thức với toàn cầu và Việt Nam

Thế giới đang trải qua năm 2023 vô cùng thách thức khi suy thoái kinh tế diễn ra ở khắp mọi nơi, tăng trưởng kinh tế bị sụt giảm nghiêm trọng.

Theo báo cáo của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, tăng trưởng GDP chung của thế giới đạt khoảng 2,5 - 3%, thấp hơn mức dự báo ban đầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là 3,3 - 3,5%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) lại cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 đạt không quá 2,1%.

Những con số nói trên đã phần nào thể hiện được sự suy thoái kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng thế. Trong năm 2023, nền kinh tế nước ta được dự báo có sự tăng trưởng khoảng 5,8%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây (trừ giai đoạn năm 2020, 2021 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19).

‘Bức tranh’ tài chính 2024 của Việt Nam sẽ ra sao? - 1

Năm 2023 là năm có nhiều thách thức với ngành tài chính Việt Nam và toàn cầu. (Ảnh: Hoàng Hà)

Nền kinh tế tăng trưởng thấp cũng kéo theo sự ảm đạm với ngành tài chính Việt Nam.

Năm 2023 là năm “sóng gió” với ngành ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Đây là những trụ cột chính của tài chính quốc gia. Với quy mô thị trường chỉ đạt hơn 913.000 tỷ đồng, không đáng kể so với quy mô thị trường tín dụng và chứng khoán, ngành bảo hiểm vẫn có sự tăng trưởng ổn định.

Do đó, sức bật của ngành tài chính phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tín dụng và chứng khoán. Thế nhưng, hai thị trường này lại đang chật vật.

Năm 2023 chứng kiến những thách thức không hề nhỏ với thị trường tín dụng khi hàng loạt ngân hàng xảy ra tình trạng “thừa tiền”. Tính đến ngày 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng chỉ đạt hơn 9,87% và còn cách xa mục tiêu cả năm là 14%. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 có thể chỉ đạt khoảng 10%.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng không có nhiều điểm sáng khi thị trường này liên tục mất hàng trăm điểm kể từ giữa tháng 9/2023 trước áp lực của thị trường quốc tế. Hiện nay, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ so với hồi đầu năm.

Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán là số tài khoản mới vẫn tiếp tục gia tăng, đạt mốc 7,25 triệu tài khoản và giá trị giao dịch cũng khả quan hơn. Quy mô vốn hóa thị trường đạt khoảng 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với cuối năm 2022.

Năm 2024, sản xuất phục hồi, trợ lực cho thị trường tài chính?

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay vẫn đang ở mức thấp. Từ nay đến giữa năm 2024, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và rủi ro bất định còn rất lớn.

Tiến sĩ Phạm Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng PG Bank cho biết, trong năm 2023, nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa thể hồi phục mạnh mẽ, tăng trưởng cũng không như dự báo ban đầu. Điều này cũng khiến ngành tài chính “loay hoay”, lãi suất thấp nhưng không có người vay, nợ xấu gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp, người dân đang sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn hơn trước.

Theo ông Thắng, động lực để ngành tài chính Việt Nam phát triển trong năm 2024 phụ thuộc vào những chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ. Khi sản xuất, thương mại, dịch vụ phát triển thì ngành tài chính mới có thể hỗ trợ tốt cho nền kinh tế.

“Năm 2024, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy đầu tư công và kích cầu tiêu dùng thì ngành tài chính ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, nếu thị trường trái phiếu và bất động sản được “hạ cánh mềm” thì thị trường tài chính sẽ tốt hơn. Đây là những nội dung quan trọng để thị trường tài chính vươn lên trong năm mới. Ngoài ra, trong năm 2024, ngành tài chính sẽ có nhiều hy vọng khi làn sóng đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là đầu tư từ Trung Quốc”, ông Thắng nói.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Chủ tịch PG Bank. (Ảnh: PG)

Tiến sĩ Trịnh Đoàn Tuấn Linh, chuyên gia tài chính chia sẻ, để phát triển ngành tài chính thì “nền kinh tế thực” bao gồm: sản xuất hàng hóa, dịch vụ, xuất khẩu… phải phát triển. Điều này cho thấy, ngành tài chính không thể tách rời với nền kinh tế thực.

Ông Linh nhận định, hiện nay, sức mạnh của ngành tài chính chủ yếu nằm trong các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, các ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền tệ lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là việc tiền ở trong ngân hàng rất nhiều nhưng không thể cho vay, hàng tồn kho tăng mạnh.

“Cái khó của các doanh nghiệp là bán hàng nhưng không thu tiền về được. Cái khó này được giới ngân hàng thường gọi là cho vay mà không thu vào”, ông Linh cho hay.

Theo ông Linh, hầu hết dư nợ cho vay của các ngân hàng hiện nay là nằm trong bất động sản. Do đó, nếu không có chính sách phù hợp với ngành kinh doanh bất động sản, không mạnh dạn “loại bỏ” những doanh nghiệp yếu kém thì các ngân hàng thương mại sẽ rất khó khởi sắc.

Ông Linh cũng cảnh báo, động thái “bơm tiền” quá nhiều vào nền kinh tế cũng sẽ gây nguy hiểm, bởi tiền in được. Bản chất nền kinh tế phát triển không phải là “bơm” bao nhiêu tiền, mà nền kinh tế đó phải sản xuất ra cái gì và những thứ được sản xuất có giá trị bao nhiêu?

‘Bức tranh’ tài chính 2024 của Việt Nam sẽ ra sao? - 3

"Bơm tiền" quá nhiều vào nền kinh tế cũng là điều rất nguy hiểm. (Ảnh: Ngọc Thắng)

Theo ông Linh, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc điều hành, thúc đẩy nền kinh tế. Những chính sách tốt nhất đã được áp dụng vào thực tiễn, tuy nhiên, những chính sách này đang dần “bão hòa”. Chính vì vậy, nhiệm vụ cốt lõi của năm 2024 là phải phát triển sản xuất, phát triển thị trường hàng hóa, thương mại, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xem xét đến việc giảm thuế cho các loại mặt hàng chiến lược. Điển hình như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho một số mặt hàng xa xỉ.

Đối với thị trường chứng khoán, ông Linh cho rằng, thị trường này xếp sau “khá xa” thị trường tín dụng và rất khó dự báo, bởi thị trường chứng khoán không chỉ vận hành theo quy luật kinh tế bình thường mà còn phụ thuộc vào tâm lý nhà đầu tư, phụ thuộc vào cách vận hành…

Ông Linh cho rằng, năm 2024 vẫn là năm thị trường tài chính không có quá nhiều điểm sáng

Kéo giảm “thừa tiền” trong năm mới

Theo các chuyên gia tài chính, việc tháo gỡ những vướng mắc cho ngành ngân hàng hiện nay là nhiệm vụ cấp bách, bởi các ngân hàng đang nắm giữ lượng vốn rất lớn của nền kinh tế. Nếu không giảm tải được tình trạng “thừa tiền”, không khơi thông được “dòng chảy” tài chính quốc gia thì nền kinh kế sẽ tiếp tục gặp khó.

Việc thừa tiền xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất là do người dân, doanh nghiệp không có nhu cầu dẫn đến sức cầu yếu. Khi sức cầu yếu thì doanh nghiệp cũng không muốn vay thêm vốn để sản xuất kinh doanh. Người dân, doanh nghiệp không vay thì ngân hàng “thừa tiền”.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến thừa tiền là vì doanh nghiệp cần tiền nhưng không đủ khả năng vay tiền.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia ngành tài chính ngân hàng cho biết, để giải quyết 2 nguyên nhân nói trên thì cần phải kích cầu, đưa ra các chính sách giảm thuế, phí để người dân tăng cường mua sắm, tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.

“Khi cỗ xe tam mã gồm: xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư công tăng trưởng mạnh thì tình trạng thừa tiền mới được xử lý tốt. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có đầu tư công là đang được thực hiện tốt, còn sức cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đang còn khá yếu ớt”, ông Huân nói.

‘Bức tranh’ tài chính 2024 của Việt Nam sẽ ra sao? - 4

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính ngân hàng. (H.T)

Theo ông Huân, việc hỗ trợ về thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng cần được triển khai mạnh mẽ nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Cũng theo ông Huân, hiện nay, nhiều hiệp định thương mại đã ký với Việt Nam nhưng cần đưa những hiệp định này vào hiện thực. Điển hình như việc Việt Nam và Mỹ đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Những điều khoản cụ thể cần được triển khai, thực hiện và áp dụng trong thực tế.

Việc triển khai được Chính phủ thực hiện rất ráo riết, tuy nhiên các cơ quan ban ngành liên quan và Cục Xúc tiến thương mại cũng cần chủ động đề nghị phía Mỹ gỡ bỏ những “rào cản”. Đặc biệt là rào cản trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản hay những loại thuế chống bán phá giá.

‘Bức tranh’ tài chính 2024 của Việt Nam sẽ ra sao? - 5

Đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, xuất khẩu là những động lực quan trọng để ngành tài chính tăng trưởng, vươn lên. (Ảnh: Xuân Thái)

Ông Huân đánh giá, việc giảm thuế VAT cũng sẽ kích cầu tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những chính sách đặc biệt cho ngành bất động sản, bởi ngành này đang giữ một lượng vốn khá lớn của nền kinh tế. Chính vì vậy, thị trường bất động sản cần được “vực dậy” càng sớm càng tốt và chính sách phải mang tính dài hạn.

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại, ông Huân nhận định, các chính sách tiền tệ hiện nay đã mang tính chất “bão hòa”, nếu thực hiện tiếp cũng không có quá nhiều tác dụng cho nền kinh tế. Bởi, lãi suất cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử (dưới 3%), có những thời điểm lãi suất liên ngân hàng đã xuống sát mức 0%. Điều này thể hiện sự vô hiệu hóa của chính sách tiền tệ, tức “không thể làm gì hơn”.

Còn theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, để năm mới không còn “thừa tiền” thì ngoài những phương án nói trên, cần phải “gỡ bỏ” công cụ cấp hạn mức tín dụng (room tín dụng). Điều này sẽ góp phần khơi thông dòng vốn chảy vào nền kinh tế.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng còn tiền và có khách hàng tiềm năng chờ vốn nhưng không thể cho vay vì hết room tín dụng. Một số ngân hàng phải làm đơn xin NHNN cấp thêm room tín dụng để người dân, doanh nghiệp có thể vay.

Ông Lực cho biết, NHNN muốn kiểm soát hạn mức tín dụng để các ngân hàng không chạy đua tăng lãi suất huy động. Điều này có thể gây áp lực lên lạm phát và hạn chế gia tăng nợ xấu. Tuy nhiên, NHNN có thể kiểm soát việc này thông qua các hệ số an toàn rủi ro, điển hình như Hệ số an toàn vốn (CAR). Việc sử dụng hệ số CAR vừa công khai, minh bạch vừa không can thiệp hành chính một cách trực tiếp vào công việc cho vay của ngân hàng.

“Khi chúng ta áp dụng hệ số CAR thì rõ ràng sẽ kiểm soát tổ chức tín dụng về mặt vốn chủ sở hữu và đầu tư cho vay. Tức, nếu tổ chức tín dụng muốn tăng trưởng tín dụng 15% thì vốn chủ sở hữu cũng phải tăng tương ứng. Đây cũng là cách mà các nước phát triển đang áp dụng và trở thành thông lệ quốc tế”, ông Lực nói.

Tích cực đổi mới chính sách và “gỡ khó”

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn vị này đang thực hiện nhiều phương án để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp.

“Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai các chính sách, giải pháp tín dụng để tập trung cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng như các lĩnh lực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ”, bà Hằng nói.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay để rút ngắn thời gian và giảm thiểu những thủ tục nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người dân.

Bên cạnh đó, NHNN cũng kiến nghị với các Bộ, ngành liên quan để thực hiện những giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong năm 2024, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với biến động của thị trường trong và ngoài nước.

NHNN sẽ điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng.

NHNN sẽ đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp ngành lâm nghiệp, thủy sản; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.

Về phía các tổ chức tín dụng, NHNN đề nghị tập trung tập trung phân bổ nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế.

 

Zalo
Chỉ đường