Ngày 20/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết 147 triển khai Nghị quyết số 138 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
5 dự án thành phần
Nghị quyết nêu rõ dự án cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sẽ chia thành 5 dự án thành phần.
Dự án thành phần một bao gồm đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.
Trong đó, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Việc quản lý và sử dụng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công trong dự án thành phần 1 được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 70 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Bộ Giao thông vận tải giao cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.
Nhóm dự án thứ hai (bao gồm dự án thành phần 2 và dự án thành phần 3) tập trung thực hiện đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang.
Cụ thể, Chủ tịch UBND các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và quyết định phê duyệt dự án.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án thành phần 2, dự án thành phần 3 được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm B do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Nhóm dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ bao gồm dự án thành phần 4 và dự án thành phần 5.
Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và quyết định phê duyệt dự án.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án thành phần 4 được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm B do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án thành phần 5 được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND tỉnh Bình Phước tổ chức thẩm định dự án theo quy định.
UBND Đắk Nông, Bình Phước được chỉ định thầu trong trường hợp nào?
Về việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo từng dự án thành phần.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thành phần 1 và dự án thành phần 5.
UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thành phần 2, 3 và 4.
Đáng chú ý, Nghị quyết nêu rõ, Chủ tịch UBND các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Chính phủ cho phép UBND các tỉnh Đắk Nông và Bình Phước triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi trong tối đa 60 ngày
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1 đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sử dụng ngân sách trung ương để thanh toán phần doanh thu giảm (nếu có) cho doanh nghiệp đầu tư dự án thành phần 1 đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, nhà thầu thi công về việc thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trong đó, Chính phủ lưu ý đến nhiệm vụ việc thu hồi đất để khai thác mỏ và phương án sử dụng đất khu vực mỏ sau khi hoàn thành khai thác mỏ; mỏ vật liệu chưa có trong quy hoạch khai thác của địa phương; khai thác khoáng sản có giá trị cao hơn vật liệu xây dựng thông thường trong quá trình khai thác mỏ và thi công dự án;thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động khoáng sản và các nội dung khác có liên quan.