Chuyện ở các thủ phủ công nghiệp: Từ tấm gương Bình Dương, tới Đồng Nai, Long An, đến lượt Bình Phước muốn gia nhập cuộc đua hút vốn FDI

Lô 05 - cụm G1 Nguyễn Văn Linh, Khu Phố Trung Lợi, TX. Chơn Thành - Tỉnh Bình Phước
bdstamgiacvang2017@gmail.com
0961 933 938
Chuyện ở các thủ phủ công nghiệp: Từ tấm gương Bình Dương, tới Đồng Nai, Long An, đến lượt Bình Phước muốn gia nhập cuộc đua hút vốn FDI

Đồng Nai và Long An đang phấn đấu để có thể sánh ngang ‘thủ phủ công nghiệp’ Bình Dương về tỷ lệ lấp đầy cũng như khả năng thu hút vốn FDI khủng. Mặc dù không tiếp giáp TP.HCM, song Bình Phước vẫn muốn gia nhập cuộc đua thu hút ngoại tệ như 2 tỉnh kể trên. Hiện Bình Phước có 13 KCN, Đồng Nai 39 và Long An 34.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền (phải) trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Haohua Việt Nam.

Đồng Nai và Long An dẫn đầu về số lượng KCN nhưng chất lượng chưa bằng Bình Dương

Do hạn chế về quỹ đất và nhiều vấn đề khác, khoảng tầm 10 năm trở lại đây, các tỉnh tiếp giáp đã được trao cơ hội thay TP.HCM thu hút vốn đầu tư nước ngoài – đặc biệt là ở lĩnh vực công nghiệp.

Trong cuộc đua này, Bình Dương đã nhanh chóng bứt tốc vươn lên vị trí số 1; hiện tại, họ không chỉ là thủ phủ công nghiệp của miền Nam mà cả Việt Nam. Đồng Nai - Long An cũng đang bám sát phía sau Bình Dương và tốp thứ ba có thể kể đến Bà Rịa – Vũng Tàu cùng Tây Ninh.

Hiện Long An có 34 KCN với tổng quy mô hơn 9.250ha. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, lũy kế đến tháng 8/2024, toàn tỉnh có 1.312 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 11,3 tỷ USD. 635 trong số này đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 4,2 tỷ USD. Theo kế hoạch đến năm 2030, Long An sẽ thành lập thêm 17 khu công nghiệp mới, diện tích khoảng 3.200ha.

Theo Savills, từ quy hoạch phát triển, hiện Đồng Nai có 39 KCN với tổng diện tích 18.500ha. Trong đó, 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 86%. Lũy kế đến tháng 8/2024, Đồng Nai có hơn 1.600 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 35 tỷ USD.

Tập đoàn Hyosung đến từ Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tỉnh Đồng Nai.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, có 3 tập đoàn đang dẫn đầu các dự án FDI đầu tư vào tỉnh gồm: Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc với hơn 2,2 tỷ USD; Tập đoàn Formosa đến từ Đài Loan với gần 1,64 tỷ USD và Tập đoàn SMC của Nhật Bản với gần 670 triệu USD.

Phần mình, Bình Dương hiện có 31 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.721ha (chiếm 13% diện tích các khu công nghiệp của các nước), cùng tỷ lệ lấp đầy đạt 89%. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, luỹ kế đến tháng 5/2024, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước chỉ sau TP.HCM và Hà Nội.

Một trong những KCN thế hệ mới của Bình Dương là VSIP 3, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện có hơn 30 công ty quốc tế quan tâm tới KCN này với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD; 2 dự án đầu tư tiêu biểu là LEGO trị giá 1,3 tỷ USD và Pandora 150 triệu USD.

Về tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới trong năm 2024 tính lũy kế đến hết tháng 7: TP.HCM nhận 58,1 triệu USD, Hà Nội là 43,6 triệu USD, Bình Dương là 41,5 triệu USD, Đồng Nai là 36,8 triệu USD, Bà Rịa – Vũng Tàu là 36,3 triệu USD…

Bình Phước muốn tranh đua ở khía cạnh KCN xanh

Theo làn sóng ESG toàn cầu, các chủ đầu tư cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chú trọng đến các yếu tố phát triển bền vững. Công nghiệp xanh với mục tiêu giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên ngày càng được chú ý.

Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Hà Nội

Dựa trên dữ liệu sơ cấp trong quá trình làm việc với khách hàng, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Hà Nội cho biết: “ Khoảng 80-85% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có yêu cầu cao về các tiêu chuẩn ESG khi lựa chọn địa điểm thuê nhà máy, ưu tiên yếu tố bền vững.

Để có thể cạnh tranh hiệu quả với các thị trường lân cận như Thái Lan, Philippines, và Indonesia, nơi đã phát triển thành công nhiều dự án khu công nghiệp xanh, chúng ta cần đáp ứng nhu cầu này. Điều này sẽ giúp tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của chúng ta trên thị trường toàn cầu”.

Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi các tỉnh thành và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chọn phát triển xanh làm lợi thế cạnh tranh. Bởi những nhà máy mới của các Tập đoàn lớn trên thế giới như LEGO luôn hướng đến Zero Carbon, buộc địa điểm phải có đất rộng – lượng nhiệt bức xạ cao, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ đầu tư các loại hình điện mặt trời.

Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho hay: tính đến tháng 8/2024, thu hút FDI vào Đồng Nai hiện đã vượt xa chỉ tiêu 2024, các dự án thu hút mới thuộc các ngành sản xuất linh kiện điện, điện tử, cơ khí chế tạo, logistics… với tỷ suất đầu tư bình quân 7,8 triệu USD/ha, số lượng lao động bình quân 78 người/ha.

“ Đặc biệt không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường và thâm dụng lao động, đảm bảo tiêu chí về công nghệ và đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh ,” đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai nêu cụ thể.

Khu công nghiệp Hố Nai - Đồng Nai

Tập đoàn KCN Việt Nam cũng tiếp lời: thị trường miền Nam luôn nằm trong chiến lược phát triển của họ với quỹ đất công nghiệp đạt gần 100 ha. Hiện tại, KCN Việt Nam đã và đang đầu tư tập trung vào Long An (dự án tại KCN Phú An Thạnh) và Đồng Nai; đồng thời hướng đến việc mở rộng ra các tỉnh thành khác trong khu vực.

Riêng tại Đồng Nai, Tập đoàn đã và đang đưa vào hoạt động các dự án công nghiệp tại Khu công nghiệp Hố Nai và Nhơn Trạch 5. Sắp tới, dự kiến sẽ có thêm một dự án nhà kho cho thuê của DN được khởi công vào quý IV/2024 theo các tiêu chuẩn về xây dựng công trình xanh.

Ông Hardy Diec - Giám đốc Điều hành Tập đoàn KCN Việt Nam , tiết lộ: “Gần đây, chúng tôi đã triển khai chiến lược phát triển công trình xanh. Điều này không chỉ khẳng định vị thế của KCN trong ngành bất động sản công nghiệp mà còn đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của các địa phương nơi KCN Việt Nam đầu tư nói riêng và Việt Nam nói chung”.

Dự án đầu tiên của KCN Việt Nam được xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh là giai đoạn 2 của dự án kho xưởng xây sẵn tại Khu công nghiệp DEEP C – Hải Phòng, dự kiến đạt chứng chỉ LEED Bạc (Silver). Dự án được kỳ vọng đảm bảo tối ưu việc sử dụng năng lượng và tài nguyên, thúc đẩy các thực hành bền vững khi có khả năng tiết kiệm đến 25% năng lượng sử dụng, giảm 10% lượng nước sử dụng, đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải carbon so với các dự án truyền thống.

Mới đây, trong Chương trình Đối thoại chính sách năm 2024 tổ chức tại TP.HCM, bà Trần Tuyết Minh – Phó Chủ tịch UBND Bình Phước đã kêu gọi các DN trên khắp thế giới hãy về đầu tư tại Bình Phước. Theo bà, Bình Phước có rất nhiều lợi thế về phát triển khu công nghiệp xanh – đặc biệt là ở mảng năng lượng tái tạo.

“ Bình Phước là địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Thứ nhất, chúng tôi có quỹ đất dồi dào khi là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất miền Nam – 687.355ha. Thứ hai, Bình Phước có lượng bức xạ nhiệt cao thứ nhì cả nước – chỉ đứng sau Bình Thuận. Hệ thống truyền tải điện – cung ứng cho các xí nghiệp và nhà máy của chúng ta cũng đã được đầu tư bài bản.

Chính Phủ đã phê duyệt cho các dự án điện năng lượng mặt trời ở tỉnh Bình Phước với tổng công suất trên 7.200 MW. Hệ thống năng lượng tái tạo của Bình Phước cũng đa dạng về loại hình khi có điện mặt trời mái nhà, mặt đất và mặt nước ”, bà Trần Tuyết Minh bày tỏ.

Bà Trần Tuyết Minh – Phó Chủ tịch UBND Bình Phước

Ngoài ra, theo bà: Bình Phước còn có thể mạnh về cây công nghiệp như điều – với diện tích trồng lớn nhất nước và tiêu, cao su, chăn nuôi gia súc – gia cầm… Sau khi 2 cao tốc Đắk Nông – Bình Phước và TP.HCM – Bình Phước hoàn thành thì sẽ rút ngắn đáng kể quảng đường từ Bình Phước lên Tây Nguyên và TP.HCM.

Năm 2023 là một năm thành công rực rỡ của tỉnh Bình Phước về kêu gọi đầu tư nước ngoài. Năm 2023, tỉnh thu hút được 48 dự án với tổng số vốn là 824 triệu USD, tăng 32,4% về số dự án và gấp 5,3 lần về số vốn so với năm 2022; đạt 275% so với kế hoạch năm 2023. Theo đó, lần đầu tiên Bình Phước lọt vào top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất nước.

Trong tất cả, phải kể dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Haohua (Việt Nam) của nhà đầu tư Shandong Haohua Tire thuộc Tập đoàn Haohua (Trung Quốc); với tổng vốn lên đến 500 triệu USD, lớn nhất từ trước đến nay tại Bình Phước.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, Bình Phước đã thu hút được 18 dự án với tổng số vốn 167,03 triệu USD (bao gồm cấp mới và điều chỉnh tăng), đạt 41,75% kế hoạch năm. Lũy kế đến tháng 9/2024, số dự án trên địa bàn tỉnh là 424 với vốn đầu tư là 4,40 tỷ USD. Đang có một sự đi lùi nhẹ về khả năng thu hút vốn đầu tư trong năm 2024 của tỉnh Bình Phước so với 2023.

Hiện nay Bình Phước có 13 khu công nghiệp (12 trong đó đang hoạt động) với tổng diện tích 4.686 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 69%. Theo quy hoạch của Chính Phủ, đến năm 2030, Bình Phước sẽ có khoảng 15 KCN.

Theo tỉnh Bình Phước, thì các KCN của các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương đã lấp đầy và giá thuê mặt bằng rất cao 150 USD/m2 cho 50 năm, trong khi Bình Phước chỉ khoảng từ 80 - 90 USD/m2.

Quỳnh Như

Zalo
Chỉ đường