Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp
Chiều 28-3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái - chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - đã chủ trì cuộc họp toàn thể của hội đồng.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đã báo cáo về diễn biến kinh tế vĩ mô, hoạt động ngân hàng quý 1-2024; đề xuất tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tình hình thị trường vàng và các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.
Giá vàng biến động nhưng không gây áp lực thị trường ngoại tệ
Theo đó, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Tỉ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD.
Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 02, rà soát để sửa đổi, bổ sung, gia hạn thông tư; tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng như chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng, chương trình cho vay lâm sản, thủy sản...
Thị trường vàng miếng được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt.
Trong nhiều thời điểm giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây.
Thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng có sự thay đổi; một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.
Nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, các chuyên gia đề nghị sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý để bắt kịp với sự dịch chuyển của kinh tế thế giới. Nhất là trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất lao động; khẳng định mục tiêu "chống vàng hóa" đã thành công.
Bỏ độc quyền để cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện?
Đặc biệt, các ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, trong đó có quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng SJC; thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Ghi nhận các ý kiến, Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện báo cáo, đề xuất các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Rà soát pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường vàng để phát triển minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Ông cũng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp thu, nghiên cứu đề xuất các giải pháp để sử dụng hiệu quả dư địa chính sách tài khóa, nhất là các giải pháp liên quan đến thuế, phí…
Các bộ ngành liên quan theo dõi diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, nhất là lạm phát, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác.
Từ đó chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản chỉ đạo, điều hành phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân…