(VNF) - HĐND tỉnh Đồng Nai tổ chức kỳ họp chuyên đề, sắp xếp, sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai, đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 95 đơn vị
Theo Đề án Sắp xếp, sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai, đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sẽ có tên gọi là tỉnh Đồng Nai; số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 95 đơn vị; Trung tâm Hành chính - chính trị của tỉnh Đồng Nai mới đặt tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (sau sắp xếp là phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai).
Đơn vị hành chính tỉnh Đồng Nai mới sau sắp xếp, sáp nhập có diện tích hơn 12.700km² , quy mô dân số hơn 4,2 triệu người.

Thành lập tỉnh Đồng Nai trên cơ sở sáp nhập tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai sẽ tạo thế và lực mới trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; là điều kiện để tạo sự thay đổi về cơ cấu sản xuất, cơ cấu ngành nghề; tổ chức sinh hoạt xã hội; tổ chức không gian kiến trúc xây dựng; thu hút nguồn lực đầu tư; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ.
Tỉnh Đồng Nai mới sẽ nằm ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ vào vùng Nam Bộ. Đồng Nai cùng với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ tạo thành chuỗi liên hoàn, có vai trò là trọng tâm, nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đồng thời tạo liên kết phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ và cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn trên toàn quốc và thế giới.
TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện nay có vị trí địa lý chiến lược, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giao thông quan trọng của tỉnh Đồng Nai và khu vực. Biên Hòa là đầu mối giao thông quan trọng với nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch đi qua như quốc lộ 1, quốc lộ 51, tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua, nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang xây dựng, đặc biệt là Dự án Sân bay quốc tế Long Thành, có vị trí rất gần thành phố.
Với vị trí trung tâm của một tỉnh mới có tiềm năng kinh tế đa dạng, trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ thương mại, nông nghiệp, du lịch..., Biên Hòa sẽ là 'hạt nhân' thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh.