Tại Hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ của Bộ GTVT vào sáng 28-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu năm 2024 các bộ, ngành cùng kiểm soát tiến độ, nâng cao chất lượng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng sân bay Long Thành. “Đây là dự án rất lớn không những thể hiện tiềm lực, uy tín của đất nước mà còn thể hiện uy tín trong quản lý điều hành của đất nước” - Thủ tướng nói.
Năm 2023, Bộ GTVT hoàn thành 20 dự án
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, năm 2023 là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công sáu dự án quan trọng quốc gia một năm so với quy trình thủ tục thông thường.
Theo ông Thắng, lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần; khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây; các tuyến vành đai đô thị tại Hà Nội, TP.HCM; khởi công công trình nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành; nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...
“Đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với chín dự án dài 475 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km” - ông Thắng nói.
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu ngành GTVT nhận định tiếp tục đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay với hơn 94.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước tới nay và gấp 1,7 lần so với năm 2022. Song song đó là số vốn sự nghiệp kinh tế, hơn 19,9 ngàn tỉ đồng phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Thêm vào đó, trong năm 2023, Bộ GTVT cũng tích cực tháo gỡ những vấn đề tồn tại của ngành. Trong đó có việc quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý những tồn tại, khó khăn sau những sai phạm của hoạt động đăng kiểm. Đến tháng 6-2023, đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Thắng cũng chỉ ra bốn tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể là công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình còn diễn ra ở nhiều địa phương. Tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.
“Mặc dù nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tuy nhiên các trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân. Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng” - ông Thắng nói.
“Không tham nhũng thì không có gì phải sợ”
Đánh giá cao kết quả trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng năm 2023 Bộ GTVT đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, tiến hành khởi công các tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, các tuyến đường bộ cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và ĐBSCL nhưng ngành GTVT đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng, nặng nề được giao.
Nhớ lại thời điểm năm 2021, Thủ tướng nói các dự án dường như “tê liệt hết cả” vì thiếu vật liệu xây dựng. Vướng mắc nằm ở chỗ mỏ nguyên vật liệu thông thường lại được cấp phép theo quy trình như với các mỏ khoáng sản quý. “Luật tự chúng ta xây dựng cả nhưng mình lại lấy dây buộc vào chân. Mỏ nguyên vật liệu thông thường mà đưa vào quy trình thủ tục khai thác như mỏ đồng, mỏ vàng… Thế ai gọi là thông thường nữa. Cái này do tư duy phương pháp luận sai, từ đó xây dựng chính sách sai… nếu không tháo gỡ ai dám làm” - Thủ tướng nói.
Từ đó, Bộ GTVT và các cơ quan đã tham mưu ban hành hai nghị quyết của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù bảo đảm nguồn vật liệu thi công; tham mưu Chính phủ chỉ đạo việc công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng...
Một ví dụ khác cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT là dự án cầu Mỹ Thuận 2, đầu năm 2023 còn chưa giải phóng mặt bằng xong, nguồn vốn còn thiếu khoảng 1.400 tỉ đồng nhưng đến cuối năm 2023 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Trong năm 2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề vướng mắc. “Vướng cấp nào cấp đó phải tháo gỡ, khó khăn ở đâu ở đó phải giải quyết” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Đánh giá việc triển khai các dự án đối tác công tư (PPP) giao thông còn chưa được như kỳ vọng, Thủ tướng cho biết ngay ngày đầu năm mới 2024, một dự án PPP mới là cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được khởi công. Tiếp đó sẽ là các dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; dự án Ninh Bình - Thái Bình - Nam Định - Hải Phòng. “Đây là ba dự án rất quan trọng, ba vùng kinh tế khác nhau, trong đó có một vùng kinh tế khó khăn, hai vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Hồng khu vực Hà Nội và Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên” - Thủ tướng chỉ rõ.•