Nóng trong tuần: Vốn FDI tiếp tục đổ vào bất động sản

Lô 05 - cụm G1 Nguyễn Văn Linh, Khu Phố Trung Lợi, TX. Chơn Thành - Tỉnh Bình Phước
bdstamgiacvang2017@gmail.com
0961 933 938
Nóng trong tuần: Vốn FDI tiếp tục đổ vào bất động sản

Bảng giá đất mới không ảnh hưởng đến chi phí đầu vào bất động sản; Hơn 3,3 tỷ USD vốn FDI chờ đổ vào thị trường bất động sản; Đồng Nai “tắc” vốn đầu tư công, có dự án giao hơn 1.000 tỉ chỉ giải ngân được 50 triệu; Hà Nội sẽ bán đấu giá thu hồi vốn đối với nhà tái định cư bỏ hoang... là những thông tin nóng trong tuần qua.

 

Nóng trong tuần: Vốn FDI tiếp tục đổ vào bất động sản

Hình minh họa

Bảng giá đất mới không ảnh hưởng đến chi phí đầu vào Bất động sản

Trước đó, có một số ý kiến cho rằng bảng giá đất điều chỉnh sẽ tác động lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh Bất động sản, thị trường Bất động sản cũng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bởi khi giá đất cao, tức đầu vào cao thì đầu ra sẽ cao, sẽ tác động trực tiếp đến người mua, từ đó, sẽ giá bán sản phẩm sẽ rất cao.

Giải đáp ý kiến trên, Sở TN&MT cho biết, việc điều chỉnh bảng giá đất không gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh Bất động sản do tiền sử dụng đất các dự án Bất động sản được xác định bằng phương pháp thặng dư.

Do đó, kết quả xác định giá trị quyền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư dù cao hay thấp hơn giá đất tại bảng giá đất cũng không phải điều chỉnh theo giá đất tại bảng giá đất.

Ngoài ra, giá đất nông nghiệp tại bảng giá đất sau điều chỉnh tăng so với trước đây, làm cho khoảng cách chênh lệch địa tô hài hòa hơn so với thực tế. Việc này dẫn đến các khoản được trừ minh bạch, công khai, công bằng và hợp lý hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh Bất động sản khi thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Ngoài ra, thị trường Bất động sản hoạt động theo nguyên tắc cung cầu, do đó, chi phí đầu vào để tạo ra Bất động sản được hoạch toán trên cơ sở giá cả thị trường. Vì vậy, việc điều chỉnh bảng giá đất theo giá thực tế tại địa phương không làm ảnh hưởng tới thị trường Bất động sản.

Hơn 3,3 tỷ USD vốn FDI chờ đổ vào thị trường Bất động sản

Tính đến 31/8 tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, ngoài góp vốn mua cổ phần giảm thì đầu tư mới và điều chỉnh vốn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, có 2.247 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 8,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ.

Đồng thời có 926 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 4,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 5,7 tỷ USD (tăng 14,8% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, còn có 2.196 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 7,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,81 tỷ USD (giảm 40,9% so với cùng kỳ).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 14,17 tỷ USD, chiếm hơn 69% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh Bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,36 tỷ USD, chiếm gần 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 77,6% so với cùng kỳ.

Hà Nội sẽ bán đấu giá thu hồi vốn đối với nhà tái định cư bỏ hoang

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn có 9 dự án TĐC với quy mô gần 2.500 căn. Trong đó, 2 dự án xây dựng nhà ở TĐC tại ô đất NO15,16 phường Thượng Thanh (quận Long Biên) và dự án xây dựng nhà B,C khu tái định cư phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) phục vụ GPMB công viên Tuổi trẻ Thủ đô, đã hoàn thành nghiệm thu, chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bố trí tái định cư.

7 dự án đang thi công xây dựng như: dự án khu nhà ở di dân GPMB tại ô đất CT4 khu TĐC tập trung Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm); dự án xây dựng nhà ở GPMB tại nhà N01 lô đất D17 tại khu đô thị mới Cầu Giấy; dự án xây dựng nhà ở GPMB ô đất ký hiệu B10/ODK3, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai); dự án xây dựng nhà ở cao tầng thuộc khu đô thị Đền Lừ III (nhà CT1, CT2, CT3) quận Hoàng Mai; dự án xây dựng khu nhà ở TĐC phường Xuân La, quận Tây Hồ (nhà B); dự án xây dựng nhà CT1, CT2, khu TĐC Xuân La; dự án xây dựng nhà A,B,C,D khu tái định cư tại phường Trần Phú.

Toàn bộ quỹ nhà tại các dự án này đã được thành phố bố trí TĐC phục vụ cho các dự án cần GPMB trên địa bàn thành phố, nhất là các dự án trọng điểm.

Tuy nhiên, quá trình đưa nhà TĐC vào sử dụng đang gặp khó khăn. Chẳng hạn dư án được thiết kế thi công theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn trước đây, nay do thay đổi quy định về phòng cháy chữa cháy nên chưa đủ điều kiện để nghiệm thu.

Chỉ đạo mới của Phó Thủ tướng về tuyến cao tốc nối Nha Trang – Đà Lạt

Liên quan đến việc hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đề xuất triển khai đầu tư dự án cao tốc Nha Trang-Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chủ động nghiên cứu, tối ưu hướng tuyến cho cao tốc Nha Trang – Đà Lạt.

Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cuối tháng 8/2024, đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết theo quyết định đã được phê duyệt cao tốc Nha Trang - Liên Khương sẽ triển khai sau năm 2030. Tuy nhiên, tỉnh kiến nghị Thủ tướng cho làm cao tốc này trước năm 2030 và chấp thuận phương án tăng vốn ngân sách nhà nước với tỷ lệ chiếm 70% để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị cao tốc Đà Lạt nối Nha Trang dài 85 km, quy mô 4 làn xe ngân sách tham gia 70% vốn và đầu tư trước năm 2030.

Địa phương lý giải nếu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) - hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), có sự hỗ trợ của nhà nước tối đa 50% vốn sẽ không khả thi do kéo dài thời gian hoàn vốn (hơn 48 năm). Việc này dẫn tới khả năng huy động vốn của nhà đầu tư cũng như tổ chức tín dụng. Để giảm thời gian thu phí xuống còn 26,9 năm, ngân sách cần tham gia vốn chiếm 70%.

Đồng Nai “tắc” vốn đầu tư công, có dự án giao hơn 1.000 tỉ chỉ giải ngân được 50 triệu

Theo tin từ Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chậm, đặc biệt là ở 6 dự án trọng điểm, báo Giao Thông đưa tin.

Cụ thể, các dự án lớn như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Vành đai 3 TP.HCM; dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa… tỷ lệ giải ngân đều thấp.

Trong đó, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành năm 2024, được bố trí nguồn vốn hơn 2.500 tỉ đồng. Tính đến tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân vốn tại dự án này đạt hơn 35% kế hoạch.

Ngoài ra đối với tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu năm 2024, được giao nguồn vốn hơn 1.000 tỉ đồng. Nhưng đến tháng 8, tỷ lệ giải ngân vốn chỉ đạt trên 5% kế hoạch.

Bên cạnh đó, dự án thành phần 4, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai được giao 691 tỉ đồng, đến nay tỷ lệ giải ngân cũng mới đạt hơn 20%. Còn dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa cũng chỉ giải ngân hơn 20% trong tổng vốn hơn 600 tỷ đồng.

Như vậy tính đến nay tổng giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm ở Đồng Nai mới đạt khoảng trên 40% kế hoạch.

Lâm Đồng sẽ sáp nhập 3 huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai

3 huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai sẽ được tỉnh Lâm Đồng sáp nhập làm một và lấy tên là huyện Đạ Huoai. Như vậy, sau 38 năm chia tách, 3 địa phương này lại được sáp nhập làm một và lấy tên cũ như ban đầu.

Huyện Đạ Huoai mới sau khi sáp nhập có diện tích hơn 1.448 km2 (đạt hơn 170% so với tiêu chuẩn), dân số hơn 146.000 người (đạt khoảng 183% so với tiêu chuẩn) gồm 18 xã và 5 thị trấn.

Trước đó, hơn 90% cử tri 3 huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai đồng ý sáp nhập thành một đơn vị hành chính cấp huyện, phần lớn trong số đó muốn lấy tên Đạ Huoai cho đơn vị hành chính sau khi sáp nhập.

Bên cạnh đó, nhập xã Đoàn Kết và xã Đạ P’loa để thành lập xã mới với tên gọi là xã Bà Gia; nhập xã Hà Lâm và xã Phước Lộc với tên là xã Hà Lâm; nhập xã Đạ Tồn và xã Đạ Oai với tên là xã Đạ Oai; xã Triệu Hải và xã Quảng Trị với tên là xã Quảng Trị cùng thuộc huyện Đạ Huoai mới.

Zalo
Chỉ đường