Sáng ngày 20/02, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024.
Trao đổi tại Hội nghị, các ngân hàng nêu ý kiến, trước bối cảnh kinh tế khó khăn, sức cầu thị trường còn yếu đã tác động lên khả năng trả nợ của khách hàng nên các ngân hàng kiến nghị được gia hạn thêm Thông tư 02/2023/TT-NHNN từ 6 tháng đến 1 năm, thay vì đến 30/6/2024 đến hạn.
Ông Võ Minh - Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, cần thiết gia hạn thêm thời gian của Thông tư 02, do thị trường hiện còn khó khăn, khách hàng cần thêm thời gian để cơ cấu và trả nợ. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, cần có sự nghiên cứu, phân tích và dự báo về khó khăn cũng như sự phục hồi của nền kinh tế để lấy điểm mốc gia hạn thời gian, chứ không thể nói là gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, cần thiết để xem xét gia hạn thêm Thông tư 02, nhưng vấn đề gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ. Mặc dù tín dụng có chậm lại trong tháng đầu năm nay, các ngân hàng cũng không nên cho vay bằng mọi giá, nhưng cũng không thể thắt chặt tín dụng. Đây là hai vấn đề cần được đảm bảo. Tín dụng cần được hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhưng có điều kiện phục hồi.
Trước đó, tại họp báo "Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024" , Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cũng cho biết Ngân hàng nhà nước sẽ xem xét gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể tiếp tục duy trì Thông tư 02. Thông tư này sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6 tới. "Đến 30/6 nếu như nền kinh tế vẫn cần, doanh nghiệp vẫn cần thì trước đó khoảng 3 tháng, chúng tôi sẽ trình để tiếp tục duy trì Thông tư 02. Tuy nhiên phải đảm bảo nhìn nhận được thực chất các khoản nợ giãn, hoãn, tránh nợ xấu tiềm ẩn trong nền kinh tế", ông Đào Minh Tú nói.
Cũng tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho biết, sau gần 8 tháng triển khai Thông tư 02 (lũy kế từ ngày 24/4/2023 đến 30/11/2023), tổng giá trị nợ gốc và lãi được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 171.083 tỷ đồng, với 175.581 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Thông tư 02 được NHNN ban hành vào cuối tháng 4/2023 quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
NHNN trao quyền chủ động cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do TCTD quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Thông tư 02 quy định về việc cơ cấu lại nợ đối với cho vay tài trợ sản xuất kinh doanh và cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng là một trong những quy định quan trọng ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều ngân hàng.
Ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Thông tư 02 đã bổ sung cho phép giãn/hoãn nợ đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, một lĩnh vực cũng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thu nhập người đi vay suy giảm (bản dự thảo chưa bao gồm các khoản vay tiêu dùng).
Đồng thời, Thông tư cũng quy định giữ nguyên nhóm nợ theo nhóm nợ gần nhất trước khi cơ cấu và đưa lãi dự thu ra ngoài bảng cân đối kế toán để theo dõi (không được đưa vào lãi dự thu) đến 30/6/2024.