Quốc hội đồng ý bổ sung 55.000 tỉ đồng cho tăng lương cơ sở

Lô 05 - cụm G1 Nguyễn Văn Linh, Khu Phố Trung Lợi, TX. Chơn Thành - Tỉnh Bình Phước
bdstamgiacvang2017@gmail.com
0961 933 938
Quốc hội đồng ý bổ sung 55.000 tỉ đồng cho tăng lương cơ sở

(PLO)- Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.

Chiều 30-11, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp 8 với nhiều nội dung quan trọng.

Dành một phần bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an

Đáng chú ý, Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo quy định tại Nghị định 73/2024.

Theo đó, bổ sung 55.000 tỉ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương vào dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024, đồng thời bổ sung tương ứng vào dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2024.

Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán chi 55.000 tỉ đồng cho tăng lương cơ sởQuốc hội đồng ý bổ sung dự toán chi 55.000 tỉ đồng cho tăng lương cơ sở. Ảnh: PHẠM THẮNG

Trong phạm vi nguồn 55.000 tỉ đồng, Quốc hội đồng ý dành một phần để bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Số tiền còn lại và 2.980 tỉ đồng trong cân đối ngân sách Nhà nước năm, Quốc hội quyết định sẽ giao Chính phủ quyết định bổ sung dự toán chi cải cách tiền lương năm 2024 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

“Chính phủ chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, sự cần thiết, tính đầy đủ, hợp lý, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi bảo đảm đúng quy định pháp luật” - nghị quyết nêu rõ và yêu cầu Chính phủ khẩn trương tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả ngân sách Nhà nước.

Xử nghiêm mọi hành vi lồng ghép lợi ích nhóm trong văn bản pháp luật

Tại kỳ họp 8, Quốc hội thông qua 18 luật và 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ ngành quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

“Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định lâu dài; minh bạch, dễ tiếp cận; thích ứng với sự biến động của thực tiễn, mang tính hệ thống và chặt chẽ, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa và phát triển” - Nghị quyết nêu.

Các cơ quan nói trên cũng được yêu cầu tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, của cơ quan chủ trì trong từng khâu của quy trình.

“Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật” - Quốc hội lưu ý.

Cũng tại Nghị quyết kỳ họp, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; đấu thầu, đấu giá, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai, khoáng sản, tài chính - ngân hàng, xăng dầu, điện... và các lĩnh vực khác dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Các cơ quan này phải kịp thời phát hiện các quy định không còn phù hợp, chồng chéo, chưa thống nhất để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đồng thời đầu tư nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả.

“Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thu hồi tài sản tham nhũng” - Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành cũng phải chỉ đạo khắc phục bất cập trong công tác giám định, định giá tài sản; tiếp tục bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án.

Với TAND Tối cao, Quốc hội yêu cầu tiếp tục có giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án hành chính.

Còn VKSND Tối cao được yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, hành chính và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm trong thi hành án dân sự, hành chính theo quy định.

Triển khai 3 dự án quan trọng của Văn phòng Trung ương Đảng

Tại nghị quyết kỳ họp 8, Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai ba dự án quan trọng của Văn phòng Trung ương Đảng như đề xuất của Chính phủ.

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Một nội dung đáng chú ý khác, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) được chấp thuận đầu tư, bổ sung vốn nhà nước với số tiền 20.695 tỉ đồng. Nguồn vốn này sẽ được lấy nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) được đồng ý có giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển. Cụ thể, VNA được cho phép chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỉ đồng. Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh nhưng phải nộp lại toàn bộ số tiền thuế còn nợ.

****

Tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Tại Nghị quyết kỳ họp 8, Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, Chính phủ cũng được yêu cầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.

Zalo
Chỉ đường