Bình Dương là một trong những địa phương được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030.
https://youtu.be/yDCXk0VXdLc
Bình Dương là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Đây là tỉnh có dân số đông thứ 6 trong tổng số 63 tỉnh thành và có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học rất cao do có nhiều người nhập cư sinh sống (hơn 50% dân số ở Bình Dương). Bình Dương cũng là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam hiện nay có 5 thành phố.
Về vị trí địa lý, phía đông giáp tỉnh Đồng Nai; phía tây giáp tỉnh Tây Ninh và TP HCM; phía nam giáp TP HCM và phía bắc giáp tỉnh Bình Phước.
Dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD. Cơ cấu kinh tế năm 2030 bao gồm ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 88 - 90%.
Về định hướng phát triển đô thị, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ thực hiện nâng cao chất lượng các đô thị hiện hữu đáp ứng tiêu chí đô thị loại I gồm TP Thủ Dầu Một, quy hoạch phát triển và nâng cấp đô thị bao gồm TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Tân Uyên, TP Bến Cát đáp ứng tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.
Cùng với đó, nâng cấp đô thị Lai Uyên (huyện Bàu Bàng) theo mô hình đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025, thành lập dô thị Lai Hưng (huyện Bàu Bàng), đô thị Long Hoà, đô thị Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng).
Đến năm 2025, toàn tỉnh có 12 đô thị các loại. Cụ thể bao gồm nhóm thành phố, thị xã, gồm 5 đô thị với thành phố là đô thị loại I (TP Thủ Dầu Một); ba thành phố là đô thị loại II (TP Dĩ An; TP Thuận An; TP Tân Uyên) và một thị xã/ thành phố là đô thị loại III (TX Bến Cát); nhóm thị trấn bao gồm khoảng 7 thị trấn huyện lỵ hoặc tiểu vùng.
Là tỉnh có nhiều thành phố nhất Việt Nam
Hồi tháng 3, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hai Nghị quyết về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc TX Bến Cát và thành lập TP Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương.
Với việc thành lập TP Bến Cát, Bình Dương hiện là tỉnh có nhiều thành phố nhất Việt Nam, bao gồm TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Tân Uyên và TP Bến Cát.
Về quy hoạch các thành phố, TP Thủ Dầu Một có tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa và dịch vụ của khu vực Đông Nam Bộ; đô thị thông minh, là hạt nhân của vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.
Thành phố sẽ phát triển đô thị gắn với công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao; đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh Đông Nam Bộ.
Diện tích tự nhiên toàn đô thị khoảng 119 km2. đến năm 2025, dân số đạt khoảng 400.000 người, trong đó dân số nội thành khoảng 400.000 người; đến năm 2030 là thành phố 550.000 người, dân số nội thị khoảng 550.000 người; tỷ lệ đô thị hoá là 100%.
TP Dĩ An có tính chất là đô thị dịch vụ - giáo dục - công nghiệp, trung tâm đô thị đại học, đầu mối giao thông vùng, trong đó công nghiệp được định hướng phát triển theo chuyên sâu.
Chức năng bao gồm không gian liên kết vùng giữa đô thị Bình Dương và TP HCM; trung tâm dịch vụ thương mại và công nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển giao thông đầu mối; trung tâm giáo dục, đào tạo cấp vùng; trung tâm dịch vụ, thương mại kết hợp với các khu ở mật độ cao; trung tâm phát triển Logistic kết hợp với phát triển đô thị.
Diện tích tự nhiên toàn đô thị khoảng 60 km2. Đến năm 2025, dân số đạt khoảng 550.000 người, trong đó dân số nội thành khoảng 550.000 người; đến năm 2030: khoảng: 600.000 người, trong đó dân số nội thành khoảng 600.000 người; tỷ lệ đô thị hoá là 100%.
TP Thuận An có tính chất là một trong các tiểu vùng trung tâm phía bắc của khu trung tâm đô thị vùng TP HCM - cửa ngõ phía bắc của TP HCM với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Nam Tây Nguyên.
Đây còn là một đô thị dịch vụ - công nghiệp quy mô lớn phía nam tỉnh Bình Dương, là đầu mối giao thông quốc gia, quốc tế quan trọng của tỉnh và của Vùng TP HCM.
Diện tích tự nhiên toàn đô thị khoảng 84 km2. Đến năm 2025, dân số đạt khoảng 670.000 người, trong đó dân số thành thị khoảng 670.000 người; đến năm 2030 khoảng 700.000 người, dân số thành thị khoảng 700.000 người; tỷ lệ đô thị hóa là 100%.
TP Tân Uyên có tính chất là trung tâm đô thị công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng của khu vực đông nam Bình Dương và phía bắc TP HCM.
Thành phố còn là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật; trung tâm đô thị có chức năng đô thị dịch vụ - công nghiệp – đầu mối giao thông cấp vùng (Cảng, Logistic).
Diện tích tự nhiên toàn đô thị khoảng 192 km2. Đến năm 2030, dân số đạt khoảng 700.000 người (dân số chính thức 630.000 người, dân số quy đổi 70.000 người), dân số thành thị khoảng 683.000 người; tỷ lệ đô thị hóa là 98%.
Cuối cùng là TP Bến Cát, với tính chất là đô thị động lực, hạt nhân của tỉnh Bình Dương với tính chất là trung tâm công nghiệp, văn hoá, giáo dục đào tạo của tỉnh.
Đây còn là trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông. Trong đó công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp sạch, có công nghệ cao; đầu mối giao thông phía tây nam của tỉnh.
Đến năm 2030, dân số đạt khoảng 550.000 người (dân số chính thức 460.000 người, dân số quy đổi 90.000 người), tỷ lệ đô thị hoá khoảng 100%. Đến năm 2040, dân số khoảng 740.000 người (dân số chính thức 680.000 người, dân số quy đổi 60.000 người).
Phát triển theo ba vành đai kinh tế và 4 trung tâm động lực
Theo Quy hoạch tỉnh, Bình Dương sẽ tổ chức không gian kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương theo mô hình vùng đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo, gồm một trục phát triển; hai hành lang sinh thái; ba vành đai liên kết; 4 trung tâm động lực; 5 phân vùng phát triển.
Một trục phát triển là trục đổi mới sáng tạo, lấy Quốc lộ 13, đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn; cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường sắt TP HCM - Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên - Bàu Bàng ... làm trục liên kết, phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.
Hai hành lang sinh thái gồm hành lang sinh thái phía Đông gắn với sông Đồng Nai và hành lang sinh thái phía Tây gắn với sông Sài Gòn, Hồ Dầu Tiếng, phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải đường thủy, phát triển các khu đô thị dịch vụ sinh thái, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khu nông nghiệp sinh thái kết hợp hỗ trợ du lịch.
Ba vành đai bao gồm Vành đai 3; Vành đai 4; Vành đai 5 của vùng TP HCM. Mở rộng các tuyến giao thông kết nối với các địa phương lân cận để mở ra các không gian phát triển mới cho Bình Dương như đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, và một số tuyến đường quan trọng khác…
4 trung tâm động lực bao gồm trung tâm sáng tạo thành phố mới Bình Dương; HUB Dĩ An; khu phức hợp Bàu Bàng; trung tâm văn hóa Thủ Dầu Một.
5 phân vùng phát triển bao gồm vùng đô thị phía Nam (TP Thuận An và TP Dĩ An); Vùng đô thị công nghiệp dịch vụ (TP Thủ Dầu Một, TP Bến Cát, TP Tân Uyên); Vùng đô thị Bàu Bàng; Vùng đông bắc (huyện Bắc Tân Uyên và huyện Phú Giáo); Vùng Tây Bắc (huyện Dầu Tiếng).
Hưởng lợi từ hai tuyến cao tốc và hai tuyến vành đai
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Dương được đầu tư xây dựng giai đoạn đến năm 2030 bao gồm 4 tuyến là cao tốc Bắc - Nam phía Tây; cao tốc TP HCM - Chơn Thành - Hoa Lư; đường Vành đai 3 TP HCM và vành đai 4 TP HCM.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT 02) đoạn qua tỉnh Bình Dương thuộc đoạn Chơn Thành (Bình Phước) - Đức Hòa (Long An), dài 84 km, quy mô 6 làn xe. Đoạn qua Bình Dương dài khoảng 31 km, có điểm đầu tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, điểm cuối xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, đầu xây dựng đường gom hai bên (trùng với đường Hồ Chí Minh).
Đây là trục giao thông quan trọng kết nối giao thông của tỉnh với vùng Tây Nguyên (kết nối với Lào qua cửa khẩu Bờ Y và Campuchia qua cửa khẩu Lệ Thanh, cửa khẩu Đăk Ruê), vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và kết nối với Campuchia.
Tuyến cao tốc TP HCM - Chơn Thành - Hoa Lư (CT 30) có điểm đầu giao Vành đai 3, TP HCM, điểm cuối tại cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Chiều dài tuyến khoảng 130 km, quy mô 6 làn xe. Đoạn từ Vành đai 3 TP HCM đến Chơn Thành (Bình Phước) dài khoảng 60 km. Đoạn qua Bình Dương dài khoảng 53,3 km.
Đoạn từ đường Mỹ Phước – Tân Vạn đến Km16+000 (gần cầu Khánh Vân) xây dựng đường trên cao 4 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp, mặt cắt ngang hoàn thiện 24,5 m. Đoạn từ Km16+000 đến cuối tuyến: 4 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp, 2 đường song hành hai bên suốt tuyến, mặt cắt ngang hoàn chỉnh 50,75 m.
Đường Vành đai 3 TP HCM (CT 40) với chiều dài khoảng 92 km, quy mô 8 làn xe. Đoạn qua Bình Dương dài khoảng 26 km.
Giai đoạn 1, đoạn từ Tân vạn đến Bình Chuẩn dài 15,3 km, xây dựng đường trên cao (4 làn cao tốc, 1 làn dừng khẩn cấp), tuyến đi theo hành lang trái tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, (hiện đang khai thác với quy mô 6 làn xe đường đô thị).
Đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn, dài 8,23 km xây dựng 4 làn trên cao, tuyến vượt sông Sài Gòn (xây dựng mới cầu Bình Gởi vượt sông Sài Gòn, cách cảng Bà Lụa hiện hữu về phía hạ lưu khoảng 500 m), lộ giới 64 m.
Đường Vành đai 4 TP HCM (CT 41) đoạn từ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu đến cảng Hiệp Phước, TP HCM dài khoảng 199 km, quy mô 8 làn xe. Đoạn qua Bình Dương dài khoảng 47,8 km, điểm đầu tại Cầu Thủ Biên (xã Thường tân, huyện Bắc Tân Uyên), điểm cuối là cầu Phú Thuận (xã An Tây, TX Bến Cát).
Giai đoạn 1, hoàn chỉnh 8 làn xe, nền đường 74,5 m (Đất Cuốc – VSIP IIA, cầu Thới An – song Sài Gòn; đầu tư xây dựng 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh bao gồm làn dừng khẩn cấp liên tục và hoàn thành trước năm 2026.
Ba tuyến đường sắt quốc gia, 12 tuyến metro
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ có 4 tuyến đường sắt đi qua, cùng với đó là quy hoạch 12 tuyến metro.
4 tuyến đường sắt này bao gồm tuyến Hà Nội - TP HCM sẽ được nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu tuyến Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn, dài 1.726 km, đường đơn, khổ 1.000mm. Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 8,5 km.
Tuyến TP HCM - Lộc Ninh từ ga An Bình đến điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư), dài khoảng 128 km, khổ 1.435mm, toàn tuyến có 17 ga, trạm khách. Trong đó, đoạn Dĩ An - Chơn Thành đường đôi, đoạn Chơn Thành – Lộc Ninh đường đơn.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài khoảng 60 km (trong đó từ ga An Bình Đến ga Bàu bảng dài 52,3 km).
Tuyến TP HCM - Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cần Thơ, dài khoảng 174 km, đường đôi, khổ 1.435 mm. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài khoảng 6,7 km. Tuyến đi qua TP Dĩ An và TP Thuận An.
Đoạn tuyến Trảng Bom – Hòa Hưng từ ga Trảng Bom đến ga Hòa Hưng, dài 39 km, khổ 1.435 mm, tuyến trùng với tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến nút giao Phước Tân. Đoạn nhánh qua TP Dĩ An nghiên cứu phương án đi trên cao. Tuyến Trảng Bom - Hòa Hưng sẽ kết nối kết nối tuyến đường sắt TP HCM - Lộc Ninh ra cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
12 tuyến metro bao gồm tuyến số 1 từ thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên; tuyến số 1B từ Tân Đông Hiệp qua Ga An Bình đến Ngã tư Gò Dưa; tuyến số 2 từ Thủ Dầu Một đến Ngã tư Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh; tuyến số 3 đoạn từ TP Tân Uyên đến Ngã tư Gò Dưa, TP HCM.
Tuyến số 2B từ Thủ Dầu Một đến TP Bến Cát; tuyến số 2C từ TP Thủ Dầu Một đến Củ Chi, TP HCM; tuyến số 3 đoạn từ TP Tân Uyên đến huyện Bắc Tân Uyên; tuyến số 3B từ Thủ Dầu Một đến Biên Hòa; tuyến số 4 từ TP Tân Uyên đến TP Bến Cát.
Tuyến số 5 từ cầu Thủ Biên, Bắc Tân Uyên đến cầu Phú Thuận, TP Bến Cát; tuyến số 6 từ thành phố mới Bình Dương đến Bàu Bàng; tuyến số 7 từ TP Bến Cát đến Dầu Tiếng; tuyến số 8 từ Bắc Tân Uyên đến Phú Giáo.