Thông tin được ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư thuộc Bộ Giao thông Vận tải), cho biết ngày 14/8.
Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai dài hơn hai km, rộng 19,5 m, là hạng mục chính của dự án thành phần 1A của Vành đai 3 TP HCM. Gói thầu còn lại của dự án xây dựng đường dẫn ở hai đầu cầu với tổng chiều dài khoảng 5,6 km. Trong khi nhiều công trình giao thông ở khu vực chậm tiến độ do thiếu kinh phí, nguyên vật liệu, dự án vượt tiến độ được xem là điểm sáng.
Ông Thi cho biết sau gần hai năm thi công, cầu Nhơn Trạch hiện đạt khoảng 80% khối lượng, mục tiêu hoàn thành dịp lễ 30/4 năm sau, sớm hơn 4 tháng so với hợp đồng ký với nhà thầu Kumho E&C (Hàn Quốc). Trong tháng 9 tới, nhịp cầu đầu tiên trên tuyến sẽ hợp long trước khi nối thông các nhịp còn lại vào đầu năm 2025. Các hạng mục còn lại sẽ hoàn thiện để thông xe vào dịp lễ.
Riêng đối với hạng mục đường dẫn ở hai đầu, chủ đầu tư cho biết việc triển khai thời gian trước gặp nhiều vướng mắc liên quan tới giải phóng mặt bằng, thiếu cát đắp. Những khó khăn này đến nay đã cơ bản được giải quyết, tiến độ đạt khoảng 37%. "Kế hoạch thi công đường dẫn cũng đang được rút ngắn để hoàn thành đồng bộ với hạng mục cầu Nhơn Trạch", ông Thi nói.
Dự án thành phần 1A kết nối tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây (TP HCM). Giai đoạn một, tuyến có chiều rộng 20-26 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, kinh phí đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng từ vốn vay ODA Hàn Quốc và nguồn đối ứng của Việt Nam.
Do được duyệt đầu tư trước so với các phân đoạn còn lại của Vành đai 3 TP HCM, tuyến 1A đang có quy mô, vận tốc nhỏ hơn. Vì vậy, song song quá trình thi công hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải mới đây kiến nghị Chính phủ cho điều chỉnh dự án, bổ sung thêm nhiều hạng mục, như: xây thêm một bên cầu Nhơn Trạch, hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí không dừng (ETC)... Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên gần 9.270 tỷ đồng, đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để làm cơ sở trình cấp thẩm quyền xem xét.
Vành đai 3 đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tổng chiều dài hơn 90 km, đến nay có một đoạn dài hơn 15 km đi qua Bình Dương đã hoàn thành. Đối với phần còn lại, ngoài dự án 1A còn hơn 76 km đang được các địa phương triển khai với tổng vốn gần 75.400 tỷ đồng. Tuyến đường này dự kiến hoàn thành năm 2026, giúp kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cả Vùng trọng điểm phía Nam.