Rộng mở không gian phát triển
Tại buổi tiếp và làm việc với ông Nozaki Takao, Chủ tịch JCCH mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành khẳng định với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, trong những năm gần đây Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhật Bản hiện đứng thứ 2 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương với 353 dự án, tổng vốn đầu tư 5,9 tỷ đô la Mỹ. Các nhà đầu tư Nhật Bản tập trung vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, mạch và chíp điện tử, lắp ráp ô tô, sắt thép, các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ thương mại. Các Tập đoàn Panasonic, Toshiba, Foster, Tokyu, Fujikura, Aeon Mall... đã có dự án lớn tại Bình Dương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành (phải) tiếp Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh“Theo đúng định hướng, Bình Dương thực hiện đa dạng hóa thu hút đầu tư nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng, chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ tiên tiến, trình độ quản trị hiện đại; ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, chip bán dẫn, năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác, các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao…”, ông Nguyễn Văn Dành chia sẻ.
Ông Nagato Takahiko, Chi hội trưởng Chi hội DN Nhật Bản tại Bình Dương: Với 160 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Bình Dương, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền tỉnh. Điều này cho thấy những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… của tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn được tháo gỡ khó khăn về thủ tục xuất nhập cảnh, giấy phép lao động và bảo đảm giao thông kết nối.
Theo lãnh đạo tỉnh, Bình Dương đang là sự lựa chọn tốt nhất của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Cùng với việc xây dựng và triển khai Đề án Thành phố thông minh, Vùng Đổi mới sáng tạo, Bình Dương có dự án Khu công nghiệp Khoa học - Công nghệ với tầm nhìn trở thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương cũng đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng hệ sinh thái mới thúc đẩy phát triển theo xu hướng cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Với tầm nhìn liên kết vùng, Bình Dương đã quy hoạch khoảng 16.000 ha đất công nghiệp mới để hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc theo đường Vành đai 4, Cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Bình Phước - Bình Dương - Tây Ninh - Long An). Bình Dương sẽ có gần 200km cao tốc, kết nối sân bay, cảng biển… từ đó tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho địa phương.
Bình Dương có định hướng phát triển các đô thị theo mô hình TOD và mô hình Khu liên hợp Công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đến nay, Bình Dương đã đưa vào quy hoạch khoảng 18.000 ha đất đô thị, dịch vụ dọc theo các tuyến giao thông kết nối vùng. Ngoài các tuyến giao thông đã có dự án đầu tư, Bình Dương đã định hướng và đang đưa vào quy hoạch đường Vành đai 5 vùng TP.Hồ Chí Minh kết nối các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Tây nguyên. Bình Dương đề xuất quy hoạch, đầu tư tuyến đường sắt và ga hàng hóa hậu cần, kết nối qua Campuchia, ra cảng biển Thị Vãi - Cái Mép, sân bay quốc tế Long Thành. Đây sẽ là tuyến hành lang mới, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tiểu vùng phía Bắc, đồng thời kết nối với các hành lang kinh tế quan trọng của vùng và khu vực, là cửa ngõ quốc tế quan trọng của vùng và cả nước.
Hỗ trợ kết nối
Tại buổi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, ông Nozaki Takao cho biết có ấn tượng mạnh về việc Bình Dương đang dẫn đầu trong thu hút nguồn vốn FDI. “Việc quy hoạch cơ sở hạ tầng xã hội của tỉnh đang triển khai mạnh mẽ. Tôi đã đến Bình Dương nhiều lần và thấy rằng đây thực sự là một địa phương thân thiện với người Nhật. Từ góc nhìn về việc các DN FDI đến đầu tư, sẽ xem xét nơi nào là thuận tiện cho cả người Nhật và người lao động”, ông Nozaki Takao nói.
Ông Nozaki Takao cho biết thêm trong thời gian tới, với mong muốn thúc đẩy đầu tư của các DN Nhật Bản, JCCH sẽ tổ chức kết nối các DN vừa và nhỏ có năng lực công nghệ cao của Nhật Bản với các DN Việt Nam có trụ sở tại Bình Dương. JCCH đã đóng vai trò trung gian và tiến hành kết nối thành công tại một số địa phương, JCCH mở rộng mô hình này sang các tỉnh khác tại Việt Nam, trong đó có Bình Dương.
“Chúng tôi rất mong muốn tổ chức các chương trình kết nối DN tại Bình Dương nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Các DN vừa và nhỏ (SMEs) của Nhật Bản có trình độ kỹ thuật cao, tuy nhiên thiếu kinh nghiệm để mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam. Việc kết nối với các DN SMEs của Nhật Bản với các DN Bình Dương rất quan trọng, JCCH tin rằng điều này sẽ đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ”, Chủ tịch JCCH chia sẻ về định hướng sắp tới.
Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhật Bản hiện đứng thứ 2 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương với 353 dự án, tổng vốn đầu tư 5,9 tỷ đô la Mỹ. Các nhà đầu tư Nhật Bản tập trung vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, mạch và chíp điện tử, lắp ráp ô tô, sắt thép, các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ thương mại.
TIỂU MY - CẨM TÚ.