TPO - Trong 2 tháng cuối năm sẽ có thêm gần 670.000 tỷ đồng vốn được bơm ra nền kinh tế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay. Hiện các ngân hàng ra sức chạy đua tăng trưởng tín dụng.
"Thúc" tăng trưởng tín dụng cuối năm
Ông Nguyễn Khắc Duy - Phó giám đốc Công ty Chơn Chính, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo - cho biết, lượng đơn hàng năm nay của doanh nghiệp tăng 200% nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu. Đơn hàng tăng nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng theo. May mắn là 2 ngân hàng mà doanh nghiệp có quan hệ tín dụng đang giảm lãi suất cho vay từ 7%/năm xuống còn 5 - 5,5%/năm. Dự kiến doanh nghiệp tiếp tục vay thêm vốn để đầu tư máy móc, nhà xưởng mở rộng quy mô sản xuất.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo có nhu cầu vay vốn hàng trăm tỷ vào cuối năm để mở rộng quy mô (ảnh: Ngọc Mai). |
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2,5%/năm trong năm 2023; 10 tháng năm nay, lãi suất cho vay bình quân giảm tiếp 0,76%/năm so với cuối năm 2023. Hiện, các ngân hàng đang triển khai loạt gói tín dụng ưu đãi, cho vay lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm, với mức lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5-6,5%/năm; lãi suất trung, dài hạn dưới 9%/năm.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn phục vụ mùa kinh doanh cuối năm với mức lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5-6,5%/năm; lãi suất trung, dài hạn dưới 9%/năm.
Cụ thể, Sacombank có gói tín dụng cho vay ngắn hạn với quy mô 15.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 4,5%/năm với khách hàng doanh nghiệp, còn với khách hàng cá nhân lãi suất chỉ từ 5,5%/năm khi vay sản xuất, kinh doanh.
ACB hiện dành khoảng 5.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu.
Agribank có gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp lĩnh vực nông thuỷ sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu đang có lãi suất chỉ từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng…
Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Agribank - cho rằng, từ cuối quý II, đầu quý III tín dụng cải thiện. Tại Agribank, so với 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng cao hơn nhiều cho thấy nhu cầu vốn của doanh nghiệp sẽ tích cực hơn. Ngân hàng cố gắng đạt mục tiêu tối thiểu mà Ngân hàng Nhà nước giao.
Theo đánh giá của các chuyên gia từ VPBanks, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng cho các ngân hàng đạt từ 80% chỉ tiêu được cấp, dựa trên cơ sở điểm xếp hạng. Chính sách này sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng trong việc giành room tín dụng và thị phần, dẫn đến xu hướng lãi suất ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay.
Về nguồn cung tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng. Nhà điều hành đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các bộ, các ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% mà ngành ngân hàng đưa ra cho cả năm nay, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 10, tín dụng đã tăng khoảng 10,08%. Con số này cao hơn so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy sẽ có gần 670.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế 2 tháng cuối năm nay.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TPHCM - cho rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần phải hợp lý và không nên bằng mọi giá, đặc biệt là phải kiểm soát được lạm phát. Chuyên gia này cho hay, nếu 670.000 tỷ đồng chảy vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, có thể tạo ra tăng trưởng GDP vượt 6%.