Bộ Tài Nguyên và Môi trường hiện đang xây dựng Nghị quyết về việc thí điểm thực hiện các dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức nhận chuyển quyền sử dụng đất, hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đưa ra 3 kiến nghị liên quan đến lĩnh vực của Bộ.
Thứ nhất, về nội dung mà đại diện Ngân hàng ACB có đề cập liên quan đến các tài khoản thuế chấp được quyền sử dụng đất, được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, nội dung này đã được quy định cụ thể tại điểm b, khoản 3 của điều 33 Luật Đất đai năm 2024.
Theo đó, đối với các tổ chức được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất, thu tiền thuê đất, thu tiền một lần cho cả thời gian thuê để thực hiện dự án cho mục đích kinh doanh, mà thuộc đối tượng được nhà nước miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuế đất thì quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó đối với đất sẽ không khác gì đối với các trường hợp mà không được miễn giảm.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay: "Tóm lại, trong quá trình sử dụng làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng, tại các tổ chức tín dụng thì không bị ảnh hưởng gì đến quyền, nghĩa vụ. Chỉ khi tổ chức đó chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hoặc đem góp vốn quyền sử dụng đất, khi đó nhà nước sẽ thu lại khoản tiền tương ứng với khoản tiền mà nhà nước đã miễn giảm khi giao đất hoặc cho thuê đất".
Thứ hai, về kiến nghị của ngân hàng TPBank liên quan đến việc cho phép các nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở, nếu phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất thì được phép làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay, hiện nay, trong Luật Đất đai 2024 không quy định vấn đề này, Luật Đất đai chỉ quy định đối với các dự án quy mô lớn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thì nhà nước sẽ thu hồi và thực hiện đấu thầu, đấu giá cho nhà đầu tư.
Đối với các trường hợp khác, không thuộc diện nhà nước thu hồi đất, chưa quy định nhà đầu tư được tiếp cận thông qua hình thức chuyển nhượng hoặc đang có quyền sử dụng đất, nhưng không phải là đất ở thì được phép thực hiện dự án nhà ở xã hội. Từ thực tế đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt.
Bộ trưởng Bộ TN và MT cũng cho biết thêm, hiện Bộ đang xây dựng Nghị quyết về việc thí điểm thực hiện các dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức nhận chuyển quyền sử dụng đất, hoặc đang có quyền sử dụng đất. Thí điểm này bao gồm các trường hợp như ngân hàng TPBank đã đề xuất, cả đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, không phải là đất ở.
”Chúng tôi hy vọng, tới đây khi trình Quốc hội và được thông qua sẽ tháo gỡ được nội đung này. Khi đó sẽ tháo gỡ được cho rất nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương. Hiện dự thảo Nghị quyết này đã qua bước thẩm định của Bộ Tư pháp. Dự kiến, trong tuần tới sẽ báo cáo Chính phủ để xin ý kiến trình Quốc hội thông qua", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay.
Thứ ba, về tín dụng xanh, Bộ trưởng Bộ TN và MT Đỗ Đức Duy cho hay, nội dung này đã được đề cập lần đầu tiên trong Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường năm 2020 tại điều 149 và điều 150 của Luật. Trong đó, quy định các dự án đầu tư bảo vệ môi trường, hoặc có giá trị về bảo vệ môi trường thì sẽ được tiếp cận tín dụng xanh và được phát hành trái phiếu xanh. Chẳng hạn như các dự án thu gom xử lý rác thải, nước thải, trồng rừng…
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị định 08 về hướng dẫn Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã đưa vào 4 điều Nghị định 08. Tuy nhiên, nội dung chưa thực sự đầy đủ, bởi để thực hiện được tài chính xanh, trái phiếu xanh thì cần quy định rõ danh mục nào, dự án nào thì được tiếp cận. Để tháo gỡ vấn đề này, hiện Bộ đã trình hồ sơ để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công bố danh mục các dự án được tiếp cận tài chính xanh, hay dự án được phát hành trái phiếu xanh.
Theo đó, hiện các ngân hàng, các nhà đầu tư quan tâm đến chính sách ưu đãi đối với các dự án đáp ứng đủ tiêu chí về tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Có thể là nguồn vốn ưu đãi của chính phủ của các đối tác nước ngoài, hay các tổ chức thông qua hỗ trợ phát triển. Bên cạnh đó, quan tâm về lãi suất áp dụng với các dự án tiếp cận tín dụng xanh; đồng thời quan tâm về quản lý rủi ro, môi trường trong các hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng trong nước và đại diện các ngân hàng ở nước ngoài.
Liên quan đến tín dụng xanh, Bộ trưởng Bộ TN và MT Đỗ Đức Duy đề xuất Chính phủ ban hành một Nghị định riêng về tín dụng xanh và trái phiếu xanh, trong đó quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục và các phương thức tiếp cận tín dụng ưu đãi, ưu đãi lãi suất…