Thủ tướng yêu cầu phấn đấu khởi công cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Gia Nghĩa - Chơn Thành vào dịp 30.4.2025.
Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4, tổ chức tại TPHCM sáng 10.8.
Cao tốc TPHCM - Mộc Bài vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Toàn tuyến dài 51km, có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 TPHCM đoạn qua huyện Củ Chi (TPHCM), điểm cuối kết nối Quốc lộ 22 ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Giai đoạn 1 dự án làm 4 làn xe, tổng mức đầu tư 19.617 tỉ đồng.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM và Tây Ninh quyết tâm phê duyệt gói giải phóng mặt bằng và xây lắp cao tốc TPHCM - Mộc Bài trong năm nay.
3 dự án thành phần đầu tư công (xây dựng đường gom dân sinh và cầu vượt ngang, giải phóng mặt bằng qua TPHCM, Tây Ninh) khởi công quý II/2025.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc theo hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng khởi công quý I/2026.
“Cao tốc TPHCM - Mộc Bài cố gắng đẩy nhanh hoàn thành cuối năm 2027 hoặc đầu năm 2028 để đồng bộ với tuyến cao tốc Phnom Penh - Bavet của Campuchia” - ông Mãi nói.
Cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua Bình Dương, Bình Phước dài 55km với tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỉ đồng.
Đoạn cao tốc qua Bình Dương dài khoảng 45,6km, tổng mức đầu tư dự án hơn 17.400 tỉ đồng theo hợp đồng BOT.
Hiện tỉnh Bình Dương đang hoàn thiện hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng BOT… Dự kiến, tỉnh Bình Dương sẽ triển khai thi công cao tốc trong năm nay, hoàn thành năm 2027.
Đoạn cao tốc dài 6,6km qua tỉnh Bình Phước có tổng vốn 1.474 tỉ đồng bằng ngân sách.
Tại hội nghị, bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết phấn đấu cùng tỉnh Bình Dương khởi công dự án năm 2024, hoàn thành năm 2026.
Cao tốc Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) dài 128,8km, tổng mức đầu tư 25.540 tỉ đồng theo hợp đồng BOT, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 6 năm nay.
Theo bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, dự kiến dự án khởi công năm 2025, hoàn thành cơ bản cuối năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.
Hiện tỉnh Bình Phước và Đăk Nông đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và đang tích cực lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án cũng được chuẩn bị kỹ về khu tái định cư, các mỏ vật liệu.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bình Phước cho biết, khó khăn của dự án là có khoảng 70km vướng bô xít (Bình Phước hơn 41km, Đăk Nông là 27,8km).
“Theo Luật Khoảng sản 2010 thì phải thu hồi khoáng sản mới được triển khai dự án. Việc này không khả thi vì bô xít xen lẫn đất cát, nếu thu hồi tốn rất nhiều thời gian” - bà Hiền nói.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng: Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối.
Thủ tướng giao TPHCM chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án đường Vành đai 4 TPHCM tại kỳ họp của Hội đồng vào tháng 11.2024.
TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, phấn đấu khởi công vào dịp 30.4.2025.
Các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách, trong đó có các chính sách huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương ở vùng Đông Nam Bộ.
Việc này nhằm tạo điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, quốc lộ và các dự án đi qua địa bàn các tỉnh để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới.