Dự kiến trong năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khởi công 3 dự án đường bộ cao tốc gồm Dầu Giây - Tân Phú, Chợ Mới - Bắc Kạn và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương hoàn thành hồ sơ để khởi công 11 dự án khác.
Cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn
Cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn dài 28,8km, có điểm đầu tại đường nối Thái Nguyên – Chợ Mới, tại xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới; điểm cuối giao quốc lộ 3B, kết nối dự án đường Bắc Kạn – hồ Ba Bể, TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.
Dự án có quy mô 4 làn xe, rộng 22m, mặt đường rộng 20,5m, tốc độ thiết kế 80 km/h, một số đoạn địa hình thuận lợi có tốc độ 100 km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.750 tỷ đồng bằng vốn ngân sách, trong đó chi phí xây dựng hơn 4.140 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 490 tỷ đồng, còn lại chi phí tư vấn, dự phòng.
Dự án cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn sẽ kết nối tuyến Hà Nội – Thái Nguyên và Thái Nguyên – Chợ Mới tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở phía đông bắc của Tổ quốc.
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú dài 60km, tốc độ thiết kế 100km/h, được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư 8.365 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn của nhà đầu tư và vốn doanh nghiệp khoảng 7.065 tỷ đồng, nhà nước tham gia khoảng 1.300 tỷ đồng.
Đây là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 200km, nhằm kết nối TP. HCM với các tỉnh Tây Nguyên. Hai dự án thành phần còn lại trên tuyến này là Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương cũng đã được tỉnh Lâm Đồng đề xuất đầu tư với tổng vốn lần lượt là 19.500 và 12.500 tỷ đồng.
Tuyến Dầu Giây – Tân Phú sẽ kết nối cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện nay, giúp giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 20. Tuyến đường cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Cao tốc Cao Lãnh – Rạch Sỏi
Dự án nâng cấp trục đường phía Tây Đồng bằng Sông Cửu Long từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi được triển khai theo quy mô như cao tốc. Trong đó, đoạn Cao Lãnh – Lộ Tẻ (Cần Thơ) dài khoảng 28,8km, có vốn đầu tư 950 tỷ đồng. Đường hiện hữu sẽ được tiến hành bù vênh và thảm tăng cường mặt đường bằng bê tông nhựa, xây dựng đường gom tại một số đoạn, hoàn chỉnh các nút giao để tổ chức lại giao thông, khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc.
Đoạn Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (Kiên Giang) có tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng. Tuyến đường dài 51,5km, hiện tại quy mô 4 làn xe, sẽ được thảm tăng cường mặt đường bằng bê tông nhựa, mở rộng các đoạn dừng xe khẩn cấp hiện có, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông để khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc.
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có tổng chiều dài 93km khởi công ngày 1/1/2024, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 14.300 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Điểm đầu của dự án tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3, xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.
Giai đoạn 1, cao tốc được thiết kế 80km/h, mặt đường rộng 17m, đoạn địa hình khó khăn, mặt đường rộng 13,5m. Trên tuyến sẽ bố trí 7 nút giao, 4 trạm dừng, 7 trạm thu phí, hệ thống giao thông thông minh đồng bộ. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2026.
Dự án được triển khai trên địa bàn miền núi, lưu lượng xe dự báo thấp, nhiều năm qua dự án gặp khó khăn huy động nguồn vốn đầu tư. Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh dự kiến được bố trí ngân sách trung ương 5.720 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu và huy động hơn 4.360 tỷ đồng. Liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả – CTCP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam – CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả – CTCP Xây dựng Công trình 568 là nhà đầu tư được tỉnh Cao Bằng lựa chọn.
Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng
Cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn đoạn qua cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng có chiều dài 43km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc có tốc độ 80Km/h. Điểm đầu tại Km1 + 800 thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn; điểm cuối tại Km44 + 749.67 (kết nối với điểm đầu tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn) thuộc xã Sao Mai, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.743 tỷ đồng.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn, trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng được thiết kế với quy mô 6 làn xe cơ giới, chiều rộng nền đường 32,25m; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài khoảng 16,3km được thiết kế với quy mô 4 làn xe cơ giới, chiều rộng nền đường 22m.
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc
Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, có tổng vốn đầu tư dự kiến 18.120 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Điểm đầu tuyến trùng với điểm cuối của cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Toàn tuyến đường dài 66km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai khoảng 11km, tỉnh Lâm Đồng 55km.
Giai đoạn đầu, đường rộng 17m với 4 làn ô tô, vận tốc thiết kế 80km/h, không có làn dừng khẩn cấp mà bố trí các điểm dừng, dự kiến khai thác năm 2026. Giai đoạn hoàn chỉnh nền đường rộng 22m, 4 làn ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp.
Cao tốc sẽ kết nối với hai đoạn Dầu Giây – Tân Phú và Bảo Lộc – Liên Khương đang được chuẩn bị đầu tư. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc dài hơn 200km sẽ nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian từ TP. HCM đi các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng xác định mốc thời gian hoàn thành dự án bao gồm các bước theo thứ tự trong quý II/2024; Khởi công xây dựng công trình trong quý III/2024.
Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương