Tổng số vốn thu hút được trong năm nay của tỉnh Bình Phước là 6.209 tỷ đồng, chỉ tiêu đặt ra là 12.000 tỷ đồng, chỉ bằng 53,4% so với năm 2022. Số doanh nghiệp thành lập mới theo kế hoạch đề ra là 1.200 doanh nghiệp, giảm 10% so với năm 2022.
Lí giải về việc thu hút đầu tư trong nước và số doanh nghiệp mới không đạt chỉ tiêu, kế hoạch, lãnh đạo Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Bình Phước cho biết, nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực.
Mặt khác, ngân hàng thắt chặt tín dụng đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc mở rộng đầu tư của doanh nghiệp. Một số khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, thủ tục đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất chưa được Trung ương xem xét, giải quyết cũng ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh.
Theo ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Bình Phước, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số, nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh và chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) của sở, ban, ngành và các địa phương.
Sở cũng sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh định kỳ hàng tuần gặp gỡ doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm, hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Sở cũng sẽ phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong triển khai dự án, đặc biệt là thủ tục đất đai.
"Thủ tục về đất đai, năm 2022-2023 vướng do quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của tỉnh chưa được duyệt. Hiện nay, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh cũng đang phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm của các huyện, thị xã. Do đó, vướng mắc này thời gian tới sẽ được các ngành, đặc biệt là Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Kế hoạch-Đầu tư tháo gỡ tích cực hơn" - ông Võ Sá nhấn mạnh.