Hôm 1-1, ngày đầu tiên của năm mới 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành và 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn bấm nút khởi công đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Khâu đột phá chiến lược
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1) dài hơn 93 km, điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Dự án có tổng mức đầu tư 14.331 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2026, được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu cả nước đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 sẽ có khoảng 5.000 km. Giai đoạn 2021-2025, cả nước đã tập trung tối đa nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (GTVT), gấp 3 lần so với giai đoạn 2016-2020.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, trong năm 2023, toàn ngành đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó có 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475 km, nâng tổng số km cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 729 và nâng tổng số km cao tốc của cả nước lên gần 1.900. Ngay trong những ngày nghỉ Tết dương lịch 2024, trên các công trình giao thông trọng điểm vẫn thi công "3 ca 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trong năm 2024, ngành GTVT dự kiến khởi công 19 dự án giao thông. Trong đó, 3 dự án đường cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền/cơ quan chủ quản, gồm: Dầu Giây - Tân Phú, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Chợ Mới - Bắc Kạn.
Trong 16 dự án khác, có 10 dự án đường bộ, gồm: Đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận và đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn; cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn TP Vinh - thị trấn Nam Đàn; nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (53, 62, Nam Sông Hậu) tại ĐBSCL; Quốc lộ 4B Lạng Sơn. Cùng đó là đầu tư đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua Bình Thuận và Lâm Đồng; xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B (ODA); xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1...
Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành hoàn thành hồ sơ để sớm khởi công 10 dự án đường cao tốc liên vùng được phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư, gồm: Tân Phú - Bảo Lộc; Bảo Lộc - Liên Khương; Ninh Bình - Hải Phòng; TP HCM - Chơn Thành; Gia Nghĩa - Chơn Thành; TP HCM - Mộc Bài, Hòa Bình - Mộc Châu...
Chạy đua với thời gian
Bước sang đầu năm 2024, gói thầu XL02 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đã đi được một nửa chặng đường của phong trào "65 ngày đêm lao động quyết thắng".
Đại tá Lê Minh Đức, Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL2 thuộc Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết sau lễ phát động, binh đoàn và các đơn vị đã huy động rất nhiều máy móc, thiết bị để thi công. Đến nay, những mét bê-tông nhựa đầu tiên đã được thi công thử. Giá trị đợt thi đua đạt gần 53 tỉ đồng, góp phần đưa tổng giá trị xây lắp đạt hơn 953 tỉ đồng, xấp xỉ 74% giá trị hợp đồng.
"Chúng tôi tự tin sẽ đưa gói thầu XL02 về đích vào dịp 30-4-2024, vượt tiến độ yêu cầu 1 tháng" - ông Đức khẳng định.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (nhà đầu tư), thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc nhanh chóng bù sản lượng chậm, hoàn thành dự án theo đúng hợp đồng đã ký, trên công trường dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đang huy động 106 mũi thi công, gần 2.000 kỹ sư, công nhân và hơn 850 đầu máy, thiết bị. Sản lượng thi công toàn dự án đạt hơn 65% kế hoạch hợp đồng.
Tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, gần 2.000 kỹ sư, công nhân và hơn 700 đầu máy, thiết bị cũng đang chạy đua với thời gian, ngày - đêm bám công trường để đạt mục tiêu về đích vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-2024. Đại diện Ban Quản lý dự án 85 cho biết tính đến cuối tháng 12-2023, sản lượng thi công đã đạt gần 6.800 tỉ đồng, đạt hơn 89% giá trị hợp đồng. Doanh nghiệp dự án đang yêu cầu các nhà thầu tập trung đẩy nhanh thi công, hoàn thành cơ bản các hạng mục đường và cầu, hoàn thiện toàn bộ khối lượng phụ trợ và đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30-3-2024.
Ngày 1-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, người lao động trên các công trường cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, kịp thời khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường. Trong đó, có gần 1.800 km cao tốc kết nối Bắc - Nam và các cao tốc kết nối Đông - Tây; các cây cầu lớn, các dự án cảng hàng không nội địa, quốc tế, các tuyến đường sắt, các cảng biển, tuyến đường thủy nội địa.
Thủ tướng cũng yêu cầu sớm hoàn thành thủ tục, khởi công thêm các dự án, công trình hạ tầng giao thông mới.