(NLĐO) – Ngân hàng Nhà nước ra quy định mới về lãi suất tiền gửi; gần 7 triệu tỉ đồng tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng.
Ngày 13-11, Ngân hàng Nhà nước cho biết nhằm bảo đảm tính thống nhất về căn cứ pháp lý với các thông tư quy định về lãi suất tiền gửi, cơ quan này vừa ban hành các Quyết định 2410/QĐ-NHNN và 2411/QĐ-NHNN quy định về lãi suất tiền gửi. Trong đó chỉnh sửa căn cứ pháp lý ban hành và không thay đổi các mức lãi suất tiền gửi.
Cụ thể, Quyết định số 2410/QĐ-NHNN ngày 1-11 quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức và cá nhân đều là 0%/năm.
Quyết định số 2411/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,5%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô ở mức 5,25%/năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Các quyết định này có hiệu lực từ ngày 20-11-2024.
Liên quan đến tiền gửi tiết kiệm, số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, tính đến cuối tháng 8-2024, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng xấp xỉ 7 triệu tỉ đồng, đạt hơn 6,92 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái.
Còn so với cuối tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm hơn 86.000 tỉ đồng, bình quân mỗi ngày có gần 3.000 tỉ đồng gửi vào hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tính tới cuối tháng 8 cũng hơn 6,83 triệu tỉ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm ngoái. Như vậy, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt hơn 13,75 triệu tỉ đồng.
Theo các chuyên gia, lãi suất huy động nhích lên gần đây đã kích thích dòng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng, bất chấp giá vàng liên tục "nổi sóng" thời gian qua.
Đồng thời, các kênh đầu tư khác như chứng khoán còn lình xình, bất động sản khó khăn cũng kém thu hút dòng tiền nhàn rỗi. Gửi tiết kiệm vẫn là kênh được nhiều người lựa chọn ở thời điểm hiện tại.
Ở chiều ngược lại, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đến hết tháng 10-2024 đạt khoảng 10%. Các tổ chức tín dụng đang cho vay ra nền kinh tế với tổng dư nợ khoảng 14,56 triệu tỉ đồng, theo thống kê tới cuối tháng 8-2024.