Năm 2016, trong buổi phỏng vấn bên lề một sự kiện về khởi nghiệp, Nguyễn Thành Tiến – Chuyên gia về đầu tư và tài chính say sưa kể về các thương vụ đầu tư và những câu chuyện học viên thành công của mình.
05 năm sau gặp lại, anh cho biết mình đã chia sẻ kinh nghiệm cho hơn 60 ngàn người. Hiện tại anh là Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty trên sàn Chứng khoán và sở hữu đảo tư nhân. Nhưng lần này góc nhìn của anh đã khác.
Theo anh, có thể dạy người khác làm giàu được không?
Tôi xin phép chia sẻ chính câu chuyện của mình.
Cũng giống như nhiều người, sau khi ra trường Đại Học, tôi đi làm thuê, là cán bộ giám sát công trường cho một công ty nhà nước, với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng.
Tôi vẫn nhớ những đêm ngồi trực ở trạm trộn bê tông đến 2–3h sáng, trăn trở và suy nghĩ làm thế nào để thoát nghèo.
Sau đó tôi khởi nghiệp từ sớm với quyết tâm làm giàu nhanh chóng nhưng thực tế hầu hết đều thất bại.
Ví dụ tôi đã mở một quầy bán bánh mỳ Thịt Nướng Doner Kebap trước cửa 1 rạp chiếu phim, vốn ban đầu hơn 10 triệu đồng cùng một người bạn. Tháng đầu tiên lãi được 800 ngàn đồng.
Thừa thắng xông lên, 2 tháng sau chúng tôi huy động vốn mở thêm cái thứ 2, và sau đó là đóng cửa cả hai cái (cười).
Trải qua gần 10 công việc kinh doanh thất bại kiểu như vậy, tôi nhận ra mình còn thiếu quá nhiều kiến thức và kinh nghiệm.
Từ đó tôi bắt đầu vào hành trình học tập và phát triển cá nhân của mình.
Tôi tự phản biện là : " Nếu tôi đúng thì tôi đã giàu rồi".
Bài học thứ 1, thay vì bảo thủ, thì tôi quyết định từ nay mình phải học hỏi không ngừng. Tôi cứ nghe thấy hội thảo về kinh doanh hay đầu tư ở đâu là lên đường đi "du học".
Trong thời gian thất bại này, tôi quay trở lại làm thuê và có xin vào một công ty định giá bất động sản, là đối tác của ngân hàng Techcombank.
Lúc đó Techcombank có bộ phận tự định giá nhưng họ cũng hợp tác với các công ty định giá khác.
Tôi quản lý một nhóm định giá 4 người, phụ trách đi định giá các tài sản ở trung tâm và ven đô. Đây là thời gian mà tôi học được rất nhiều điều.
Và tôi học được bài học thứ hai: Phải có quá trình Học việc trước khi khởi nghiệp. Sai lầm trước đây là tôi thường vào việc luôn.
Vừa đi làm ở cơ quan để tồn tại, tôi tiếp tục thử nghiệm.
Một lần tôi đi thuê phòng trọ ở, tôi được ông chủ nhà tin tưởng giao cho quản lý một căn nhà có 06 phòng.
Khi có một phòng trống ra, chủ nhà đặt giá 1,4 triệu và tôi cho thuê được 1,6 triệu đồng, tôi kiếm được chút tiền. Sau đó tôi nghĩ liệu mô hình này có thể mở rộng ra được hay không.
Vì thế tôi bắt đầu đi thuê nhà rồi cho thuê lại.
03 căn nhà đầu tiên, tôi gặp khá nhiều thách thức trong việc đàm phán đi thuê , vận hành và quản lý tài sản nhưng rồi cũng vượt qua.
Tôi mở thêm một văn phòng bất động sản, với 10 nhân viên, vừa quản lý cho thuê tài sản, vừa môi giới đầu tư. Có thời điểm chúng tôi quản lý khoảng 500 phòng.
Tuy nhiên tôi bị mắc kẹt với công cụ này, nghĩa là ban đầu tôi kiếm được thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng mỗi tháng, rồi tăng tiếp từ 70– 100 triệu một tháng, nhưng tôi cảm thấy mình đang bị bế tắc trên con đường làm giàu.
Đó là lúc tôi nhận ra bài học thứ 3: Nếu trong vòng 2 đến 3 năm mà thu nhập không tăng, cũng không học thêm được điều gì, tức là tôi đã tới hạn về mặt nhận thức. Và đã đến thời điểm phải đi học cái mới.
Rất may mắn, tôi được giới thiệu tới một người đàn anh đi trước.
Anh ấy đồng ý dạy cho tôi về mua sửa bán nhà và đầu tư đất ven đô.
Tôi bắt đầu triển khai 2 công cụ mới này,do không có vốn, nên phải hợp tác làm chung và vay thêm ngân hàng. Những căn nhà đầu tiên lời được 200 triệu đến 500 triệu đồng mỗi căn và bắt đầu cho tôi thêm sự tự tin. Sau khoảng 2 năm làm mua sửa bán, tôi mạnh dạn đầu tư sang đất ven đô và phân lô bán.
Lúc này, tôi đã học được bài học thứ 4: Sử dụng sức mạnh của đội nhóm mới vào được những trận đánh lớn hơn.
Năm 2016-2017, chúng tôi mua sỉ bán lẻ, đất ven đô, với trên 13 dự án, mỗi thương vụ quy mô từ 100 đến 200 lô đất đã có sổ đỏ. Có những thương vụ mua vào 45 tỷ và bán ra 70 tỷ hay mua vào 160 tỷ và bán ra 210 tỷ. Vì không đủ tiền, nên chúng tôi phải trao đổi và đàm phán, cho phép mình đặt trước một ít tiền, và bán ra cho các nhà đầu tư mua lại.
Sau giai đoàn này, chúng tôi bắt đầu bước lên việc lập dự án, ban đầu cũng chỉ làm được dự án nhỏ cỡ vài hécta ở ven đô.
Hiện tại, chúng tôi đang làm một số dự án quy mô từ 20ha đến 89 ha. Các kiến thức về dự án bất động sản cũng do một người đàn anh khác chỉ dẫn, chứ chúng tôi không nghĩ ra được.
Vì thế, theo tôi bài học số 5 là: Mỗi thời điểm, phải tìm người thầy mới chỉ đường cho mình.
Trong Phật giáo có nói rằng: Để thành công, thì phải có Tam bảo ( 3 báu vật của cuộc đời: Thầy giỏi – Bạn tốt – Sách hay). Sai lầm của tôi là đã không chú trọng đi tìm Tam bảo ngay từ đầu.
Như vậy từ kinh nghiệm tôi thấy việc làm giàu là không hề dễ dàng.
Còn việc dạy người khác làm giàu, thì vừa khó và vừa dễ. Khó là nếu người không có ý chí, thì muốn hướng dẫn cũng không được. Dễ vì đôi khi trong cuộc đời, bạn may mắn gặp được đúng người thầy. Cá nhân tôi thấy mình gặp may.
Từ bài học đúc rút ra của mình, tôi thường tổ chức một số buổi chia sẻ kỹ năng và công cụ kiếm tiền cho mọi người, chứ cũng chưa gọi là dạy làm giàu
Nghe nói anh có một công ty chứng khoán và một hòn đảo tư nhân ngoài biển?
Năm 2017, tôi có một người đàn anh đi trước sở hữu công ty trị giá hàng ngàn tỷ trên sàn chứng khoán và anh ấy có nói với tôi về việc IPO (đưa công ty lên sàn).
Vì thế, tôi cũng triển khai việc đó và mất khoảng 3 năm để sở hữu một công ty nhỏ trên sàn HNX, đó là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Văn Lang.
Tôi là chủ tịch công ty và cùng đội nhóm chúng tôi sở hữu 78% cổ phần.
Sở hữu công ty IPO trên sàn này không phải là mục tiêu mà chỉ là công cụ để sau này chúng tôi huy động vốn khi chúng tôi làm dự án. Và tôi cũng có thể bán công ty này bất cứ lúc nào (cười).
Còn hòn đảo tư nhân rộng 6,5ha đã có sổ đỏ. Tôi nuôi ốc mỗi năm thu được dòng tiền. Ngoài ra hòn đảo có bãi đá và bãi cát rất đẹp có thể khai thác du lịch, tôi thỉnh thoảng ra nghỉ 1 tuần, có dẫn một số học viên đặc biệt ra tham quan. Do muốn đảm bảo riêng tư, nên tôi xin phép tiết lộ vị trí vào một thời điểm khác.
Nhiều người nói anh có khoá học gần nửa tỷ đồng ?
Họ nói đúng đấy (cười). Tôi có nhiều học viên đã thành công nhưng vẫn tham gia những buổi trao đổi của NIK tổ chức, như tổng giám đốc công ty giấy Hoàng Hà (mã chứng khoán HHP, sàn HOSE), chủ thương hiệu loa kéo Dalton (thương hiệu Loa kéo hàng đầu Việt Nam, doanh thu nhiều trăm tỷ đồng một năm), Tổng giám đốc công ty xây dựng Quyết Tiến ( doanh thu 600 tỷ đến 1 ngàn tỷ một năm)…
Tại sao giàu rồi họ vẫn đi học ?
Một là chủ doanh nghiệp họ giỏi nhưng họ muốn tìm hiểu về đầu tư. Từ quy mô nhỏ là đầu tư cá nhân cho đến lâp dự án là một khu đô thị. Hai là họ học để hệ thống lại và hướng dẫn cho đội nhóm, người nhà.
Ngoài ra, một số gia đình có điều kiện cũng cho con cái đi học.
Ví dụ con của anh Thành, Chủ tịch tập đoàn xây dựng Delta…
Thực ra, chúng tôi có tổ chức một số buổi chia sẻ, có những buổi miễn phí, có những buổi chúng tôi thu phí.
Một là, phi lợi nhuận cho cộng đồng, tức là chúng tôi dạy 3 ngày miễn phí, và chia sẻ rất nhiều giá trị. Có nhiều cách từ thiện và từ thiện kiến thức là một cách.
Tuy nhiên, phải có những chương trình tạo lợi nhuận để duy trì tổ chức, nên chúng tôi có giới thiệu một số buổi về kiến thức chuyên sâu, ai có điều kiện thì tham gia cùng trao đổi, chứ không bắt buộc.
Chúng tôi không cố gắng bán bất động sản cho học viên hay kêu gọi vào các dự án đầu tư, mà chỉ đơn thuần là đào tạo kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng.
NIK đã mở ra rất nhiều buổi trao đổi từ năm 2012 và không phải 100% người tham gia đều thành công, vì điều đó còn phụ thuộc vào nỗ lực, trí tuệ của từng người.
Thực tâm tôi muốn giúp đỡ nhiều người Việt Nam tránh bị mất tiền và thất bại giống mình ngày trước nên tôi viết sách và có làm kênh Youtube, Facebook và Tiktok để chia sẻ miễn phí.
Nhiều người rất thành công, nhưng không có khả năng sư phạm để truyền đạt cho người khác. Tôi cảm thấy may mắn, vì đó lại là thế mạnh của mình.
Dù sở hữu thêm nhiều triệu đô la nữa, thì tôi vẫn tiếp tục giảng dạy. Bởi vì mỗi người phải có một sứ mệnh, trả lời cho câu hỏi, lý do mình sinh ra là gì ?
Xin cảm ơn Anh Nguyễn Thành Tiến.
Ánh Dương
Nhịp sống kinh tế